|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tháng 2: Khối ngoại rút ròng 3.050 tỉ đồng khỏi thị trường bất chấp tự doanh CTCK liên tục mua ròng đỡ chỉ số

07:42 | 02/03/2020
Chia sẻ
Thống kê giao dịch trong tháng 2, khối ngoại bán ròng 3.050 tỉ đồng toàn thị trường, xả 2.800 tỉ đồng cổ phiếu tính riêng trên sàn HOSE.

Khối ngoại bán ròng 3.050 tỉ đồng toàn thị trường, xả 2.800 tỉ đồng cổ phiếu trên HOSE

Trong tháng 2/2020, chịu tác động trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khối ngoại rút ròng 3.049 tỉ đồng toàn thị trường chứng khoán Việt Nam cùng bán ròng khối lượng 157,6 triệu đồng.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại xả 2.730 tỉ đồng với khối lượng 135,5 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng tập trung tại giao dịch cổ phiếu với giá trị 2.802 tỉ đồng và chứng chỉ quĩ ETF nội là 11 tỉ đồng.

Dòng tiền lớn tháng 2: Khối ngoại xả 3.050 tỉ đồng toàn thị trường bất chấp tự doanh liên tục mua ròng đỡ chỉ số  - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Đáng chú ý, toàn bộ mã trong Top10 bị bán ròng tháng qua đều ghi nhận giá trị trên trăm tỉ đồng. Cụ thể, cổ phiếu MSN dẫn đầu chiều bán ròng với giá trị 444 tỉ đồng. Mới đây, Tập đoàn Masan cho biết đang có kế hoạch huy động 10.000 tỉ đồng trái phiếu theo phương thức chào bán ra công chúng trong năm 2020.

Mệnh giá mỗi trái phiếu 100.000 đồng, tương ứng 100 triệu đơn vị. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên 9,3%, cho mỗi 6 tháng tiếp theo bằng 2,5% cộng thêm lãi suất tham chiếu.

Lượng trái phiếu này sẽ được chào bán trong 4 đợt. Đợt chào bán trái phiếu đầu tiên 3.000 tỉ đồng đã được phía Masan chính thức khởi động, thời gian đăng kí mua và nộp tiền từ 17/2 - 8/3. Nhà đầu tư sẽ phải mua tối thiểu 500 trái phiếu, tương ứng giá trị 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, khối ngoại tạo áp lực xả lên nhóm cổ phiếu bất động sản như VIC và NVL, lần lượt là 275 tỉ đồng và 255 tỉ đồng.

Cùng chiều bán ròng trên HOSE, cổ phiếu VNM ghi nhận giá trị 232 tỉ đồng, theo sau là SJS (148 tỉ đồng), BID (125 tỉ đồng), POW (118 tỉ đồng). Ngoài ra, khối ngoại còn bán ròng DXG (117 tỉ đồng), SVC (112 tỉ đồng) và KBC (106 tỉ đồng).

Trong khi đó, Top10 cổ phiếu mua ròng trong tháng 2 đều ghi nhận giá trị dưới 100 tỉ đồng. NĐT nước ngoài tập trung gom HDB và VHM lần lượt 88 tỉ đồng và 85 tỉ đồng. Mặt khác, dòng vốn ngoại tìm đến cổ phiếu SBT (58 tỉ đồng), STB và DGW (41 tỉ đồng). Một số mã ghi nhận giá trị mua ròng dưới 40 tỉ đồng như VPB, GAS, NKG và APG.

NĐT nước ngoài rút ròng 242 tỉ đồng khỏi sàn HNX, tập trung PVS

Tương tự trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 242 tỉ đồng cùng khối lượng 21,9 triệu đơn vị trên HNX. Hoạt động bán ròng áp đảo tại hầu hết phiên trong tháng 2.

Dòng tiền lớn tháng 2: Khối ngoại xả 3.050 tỉ đồng toàn thị trường bất chấp tự doanh liên tục mua ròng đỡ chỉ số  - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Tại phía bán ròng, khối ngoại tập trung thoái vốn khỏi cổ phiếu PVS (87 tỉ đồng) và SHB (79 tỉ đồng). Cùng với đó, dòng vốn nước ngoài rút ròng cổ phiếu NTP (41 tỉ đồng), DGC (23 tỉ đồng) và SHS (13 tỉ đồng). Ngoài ra, khối ngoại bán ròng dưới 10 tỉ đồng các mã NDN, PLC, TIG, CEO và HDA.

Ngược lại, tại phía mua ròng, duy nhất cổ phiếu VCS được khối ngoại gom 23 tỉ đồng. Các cổ phiếu còn lại trong top mua ròng trên HNX đều ghi nhận giá trị dưới 10 tỉ đồng. Đơn cử, cổ phiếu AMV, ART, NBC, PVC, NRC, LAS, WSC và SD6.

Khối ngoại bán ròng 76 tỉ đồng trên thị trường UPCoM

Thống kê giao dịch khối ngoại trên thị trường UPCoM, giá trị bán ròng trong tháng 2 đạt 76 tỉ đồng cùng khối lượng 221.407 đơn vị. NĐT nước ngoài rút ròng mạnh hơn về cuối tháng.

Dòng tiền lớn tháng 2: Khối ngoại xả 3.050 tỉ đồng toàn thị trường bất chấp tự doanh liên tục mua ròng đỡ chỉ số  - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Trong đó, khối ngoại chủ yếu xả cổ phiếu ACV (59 tỉ đồng), theo sau là LPB (21 tỉ đồng). Các mã ghi nhận giá trị bán ròng trên 10 tỉ đồng còn có MPC (12,3 tỉ đồng), HND (11,4 tỉ đồng) và CTR (10,7 tỉ đồng). Mặt khác, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu LTG, NTC, GVR, FOC và SAS tuy nhiên giá trị dưới 10 tỉ đồng.

Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài gom hai mã VEA và BSR với giá trị tương ứng 30,3 tỉ đồng và 25 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng QNS (9 tỉ đồng), kế đến còn VTP, MCH, VGG, VHG, VGI, KSH và FOX.

Ngược chiều khối ngoại, tự doanh mua ròng 68 tỉ đồng trong tháng 2

Vào những phiên đầu tháng 2, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tập trung bán ròng, có những phiên giá trị bán ròng đạt trên trăm tỉ đồng. 

Tuy nhiên, trái với khối ngoại, đà mua ròng của khối tự doanh áp đảo tại phần lớn các phiên trong nửa cuối tháng. Kết thúc tháng 2/2019, khối tự doanh CTCK mua ròng 68,2 tỉ đồng nhưng bán ròng khối lượng 1,5 triệu đơn vị.

Dòng tiền lớn tháng 2: Khối ngoại xả 3.050 tỉ đồng toàn thị trường bất chấp tự doanh liên tục mua ròng đỡ chỉ số  - Ảnh 4.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Tâm điểm giao dịch trong tháng 2 là cổ phiếu MWG khi mã này dẫn đầu chiều mua vào với giá trị 406 tỉ đồng, nhưng đồng thời ghi nhận 220 tỉ đồng tại chiều ngược lại. Theo báo cáo tình hình kinh doanh tháng 1/2020 của Thế Giới Di Động, doanh thu thuần hợp nhất 12.560 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 553 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 22% so với tháng 1/2019.

Tại giao dịch cổ phiếu, mã theo sau MWG về giá trị mua vào có VCB (279 tỉ đồng), MBB (253 tỉ đồng) và FPT (205 tỉ đồng). Cùng chiều, khối tự doanh mua dưới 200 tỉ đồng cổ phiếu ROS (197 tỉ đồng), HPG (170 tỉ đồng), TBC (148 tỉ đồng), ngoài ra còn VPB (126 tỉ đồng) và VNM (119 tỉ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu dẫn đầu phía bán ra là MBB với giá trị 333 tỉ đồng. Mặt khác, khối tự doanh tạo áp lực lên FPT (190 tỉ đồng), VPB (181 tỉ đồng), HPG (173 tỉ đồng), VCB (156 tỉ đồng), VNM (154 tỉ đồng), TCB (107 tỉ đồng) và PLX (106 tỉ đồng).

Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, khối này mua vào mã E1VFVN30 315 tỉ đồng, đồng thời bán ra 292 tỉ đồng.

Ánh Hường

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.