|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tháng 12, giá thực phẩm giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm

18:10 | 12/01/2018
Chia sẻ
Theo Liên Hợp Quốc, giá thực phẩm kết thúc năm 2017 với giá sản phẩm bơ sữa giảm nhiều nhất trong 4 năm. Đồng thời tổ chức này cũng cảnh báo về sự bất ổn xung quanh lượng sữa bột tách béo trong kho dự trữ tại châu Âu.
thang 12 gia thuc pham giam voi toc do nhanh nhat trong gan 3 nam Chỉ số giá thực phẩm của FAO tăng nhẹ gần 1% trong tháng 9

Giá thực phẩm, trung bình đạt 174,6 điểm trong 2017, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, và là mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá thực phẩm được xác định thông qua chỉ số do Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp (FAO), cơ quan thực phẩm của Liên Hợp Quốc, tính toán.

Tuy nhiên, trong tháng 12 giá thực phẩm giảm 3,3%; ghi nhận tốc độ giảm nhanh nhất trong gần 3 năm và đưa chỉ số xuống mức thấp nhất trong 8 tháng.

FAO cho biết, nguyên nhân dẫn đến đợt lao dốc này là do giá sản phẩm bơ sữa và dầu thực vật giảm mạnh, mặc dù giá giảm một cách bất thường ở cả thịt, ngũ cốc và đường

Giá dầu cọ đi xuống

Giá dầu thực vật giảm 5,6% trong tháng 12, phản ánh mức giảm chủ yếu của giá dầu cọ, hạt cải dầu và dầu đậu nành.

“Giá dầu cọ quốc tế giảm, vì lượng dự trữ tại Malaysia và Indonesia lên cao nhất trong 2 năm vì sản xuất mạnh và nhu cầu xuất khẩu suy yếu”, FAO cho biết.

Trong tháng 1/2018, Malaysia công bố tạm dừng thuế xuất khẩu dầu cọ nhằm thúc đẩy triển vọng cho hoạt động này. Báo cáo chính thức công bố hôm thứ Tư (11/1) cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư đối với xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 12.

Trên thị trường hạt cải dầu, dự báo về đà tăng sản lượng của mùa vụ tại Canada và Australia đã ảnh hưởng tới giá, trong khi giá dầu dậu nành chịu áp lực từ giá dầu cọ.

thang 12 gia thuc pham giam voi toc do nhanh nhat trong gan 3 nam

Nguồn cung xuất khẩu cao

Mặc dù vậy, mức giảm lớn nhất trong tháng 12 được ghi nhận ở sản phẩm bơ sữa, với giá loại sản phẩm này giảm 9,7%; mức giảm lớn nhất so với tháng trước kể từ tháng 8/2014.

Nguồn cung xuất khẩu tăng cao, trong khi nhu cầu giảm đã ảnh hưởng tới giá quốc tế của cả 4 sản phẩm sữa đóng góp trong chỉ số. Các sản phẩm này gồm bơ, pho mai, sữa bột tách béo (SMP) và sữa bột nguyên kem (WMP).

Đặc biệt, theo FAO, sự bất ổn của các kho dự trữ tại Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tác động tiêu cực tới giá quốc tế của sản phẩm sữa bột tách béo.

“Ngọn núi” sữa bột tách béo

Lượng sữa bột tách béo trong các kho dự trữ tại EU lên tới hơn 370.000 tấn, ảnh hưởng tới giá trị sản phẩm trên thế giới, và khiến Ủy ban châu Âu suy nghĩ lại về kế hoạch hỗ trợ thị trường.

Báo cáo cho biết, Ủy ban đang xem xét việc mua lại sữa bột tách béo trong năm thay, thay vì kế hoạch đảm bảo giá trên thị trường như đã đưa ra trước đó.

Tại EU, giá sữa bột tách béo đang ở mức 144 euro/100 kg tính đến ngày 7/1, giảm 1 euro so với tuần trước đó và là mức thấp nhất theo số liệu theo dõi trong 17 năm.

Giá bơ cũng bắt đầu năm 2018 ở mức thấp, giảm 2 euro xuống 453 euro/100 kg, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017 và giảm 30% từ mức cao của tháng 9.

Giá đường giảm

Bất chấp đợt giảm trong tháng 12, giá sản phẩm bơ sữa trung bình trong năm ngoái tăng 32% trong năm 2016, với mức tăng lớn nhất ghi nhận ở sản phẩm bơ, theo sau là WMP và pho mai. Trong khi giá SMP vẫn ổn định.

Giá thịt trung bình tăng 9%, trong khi giá ngũ cốc và dầu thực vật tăng 3%.

Còn giá đường ghi nhận sự thể hiện yếu nhất, giảm 11,2% so với mức trung bình năm trong 2017. Trong tháng 12, giá đường giảm 4,1% so với tháng trước đó.

“Giá đường giảm trong năm 2017 phần lớn phản ánh sản lượng thu hoạch lớn tại Brazil, cùng với sản xuất phục hồi mạnh mẽ tại Ấn Độ và Thái Lan”, FAO cho biết. Tổ chức cũng lưu ý áp lực trong ngắn hạn từ nhu cầu suy yếu và dự báo nguồn cung thặng dư lớn trong năm 2018.

Lyly Cao