|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Thâm thù' không dễ hóa giải khiến Iran và Israel quyết đấu tại Syria?

00:00 | 13/05/2018
Chia sẻ
Israel và Iran có cả một “lịch sử đối đầu”, hơn nữa 2 bên cũng theo đuổi những lợi ích mâu thuẫn nhau trong cuộc xung đột tại Syria.​
tham thu khong de hoa giai khien iran va israel quyet dau tai syria Không phải Iran, biến động thực sự trên thị trường dầu đang diễn ra ở Trung Quốc
tham thu khong de hoa giai khien iran va israel quyet dau tai syria Iran lần đầu tấn công trực tiếp Israel

Xung đột giữa Israel và Iran leo thang đỉnh điểm khi máy bay chiến đấu của Israel nã hàng chục quả tên lửa vào căn cứ của Iran tại Syria ngày 10/5 nhằm đáp trả cáo buộc Iran phóng 20 quả tên lửa vào các vị trí của quân đội Israel trên Cao nguyên Golan.

Diễn biến này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại, một trận chiến mới trong lòng cuộc chiến quy mô lớn đang diễn ra tại Syria lại sắp bắt đầu.

tham thu khong de hoa giai khien iran va israel quyet dau tai syria
Tên lửa phóng đi từ Damascus sau khi Israel tung đòn trả đũa với cáo buộc của họ cho rằng Iran tấn công trước. Ảnh: Reuters.

Lịch sử đối đầu

Lật lại lịch sử, quan hệ giữa Israel và Syria là quan hệ vô cùng phức tạp. Hai bên đã từng là “bạn” rồi trở thành thù địch, sau đó lại hợp tác trở lại và rồi lại rơi vào thế đối đầu không khoan nhượng với nhau.

Khi nhà nước Do Thái Israel non trẻ ra đời sau Chiến tranh Thế giới II, Iran là một trong số ít các quốc gia Trung Đông không gia nhập liên quân Arab tiến đánh Israel năm 1948. Tại thời điểm đó, Israel ưu tiên xây dựng quan hệ liên minh với Iran, trong khi Tehran cũng coi Tel Aviv là đối tác chính trị quan trọng để cân bằng với các láng giềng Arab khác.

Ở giai đoạn “thăng hoa” của mối quan hệ ngoại giao, Iran cung cấp 80% lượng dầu mỏ Israel tiêu thụ. Đổi lại, Israel điều tới Iran nhiều chuyên gia nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, giúp Iran xây dựng và đào tạo lực lượng vũ trang. "Hai nước khi đó có quan hệ hết sức tốt đẹp", giáo sư Henner Fürtig từ Viện nghiên cứu toàn cầu Hamburg nhận định.

Tuy nhiên, bão tố đã nổi lên khi cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran năm 1979. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khomeini chỉ trích sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine và chấm dứt mọi thỏa thuận hợp tác với nhà nước Do Thái. Ông Khomeini cũng ủng hộ việc thành lập lực lượng Hezbollah tại Lebanon – quốc gia Arab có đông người Shiite, với mục đích chính là chống lại quân đội Israel.

Đến thời kỳ chiến tranh Iran và Iraq bùng nổ (1980-1988), tảng băng trong quan hệ giữa Israel và Iran trở nên được xóa nhòa do lúc đó Israel coi chính quyền Tổng thống Iraq Saddam Hussein là mối đe dọa với nhà nước Do Thái lớn hơn so với Iran. Chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã chấp thuận bán vũ khí cho Iran thông qua Israel. Truyền thông Mỹ cũng tiết lộ rằng, Israel đã mua lượng dầu mỏ của Iran với tổng giá trị 36 triệu USD để đổi lấy việc thả 3 binh sỹ tại Israel bị bắt giữ tại Lebanon.

Vào năm 1988, chiến tranh kết thúc, Iraq bắt đầu suy yếu, Iran lúc này đã không còn lý do gì để hợp tác với Israel nữa. Iran nhiều lần chỉ trích Israel vì đã chiếm lãnh thổ của người Palestine. Còn Israel thì luôn tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran do lo ngại Iran sẽ sử dụng “con bài” hạt nhân để mở rộng sự ảnh hưởng trong khu vực. Israel luôn cáo buộc Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân trong khi Iran thì liên tục lên tiếng phủ nhận.

Năm 1994, căng thẳng được đẩy lên một mức mới khi Israel cáo buộc lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn, tiến hành đánh bom một trung tâm Do Thái ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, khiến 85 người thiệt mạng.

Vào giữa những năm 2000, quan hệ giữa hai bên xấu đi nghiêm trọng do việc Iran đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển các tên lửa đạn đạo tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tiếp đến là cuộc bầu cử Iran năm 2005 với chiến thắng của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad – người có quan điểm cứng rắn đối với Israel.

Năm 2009, Iran cáo buộc các cơ quan tình báo của Israel và Mỹ cố tình phá hủy chương trình hạt nhân của mình bằng phần mềm độc hại có tên gọi Stuxnet. Iran cũng bảo vệ quyền được phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự của nước này, đồng thời cáo buộc Israel ám sát một số nhà vật lý và kỹ sư chuyên ngành của Iran.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nhiều lần đe dọa tấn công Iran nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp để Iran chấm dứt chương trình hạt nhân. Còn Iran tuyên bố, họ sẽ không ngần ngại trả lời bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel.

Mới đây nhất vào năm 2017, Quốc hội Iran đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine, động thái được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô Israel. Iran cũng nhiều lần hoài nghi về sự tồn tại của nhà nước Israel và hỗ trợ các lực lượng chống đối Israel.

Iran và Israel xung đột lợi ích tại Syria?

Iran là một trong những quốc gia ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad mạnh mẽ nhất. Mục đích đầu tiên của việc Iran điều quân đến Syria là giúp Tổng thống Assad chống lại phiến quân và phe đối lập, tiếp đến giúp chính phủ Syria tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Và cũng không thể phủ nhận rằng, chính cuộc chiến tại Syria đã khiến vai trò của Iran ngày càng lớn mạnh hơn. Sự can dự trong cuộc chiến này giúp Iran tạo dựng hình ảnh là “người bảo vệ” cho cộng đồng Hồi giáo Shiite – nhánh Hồi giáo chiếm đa số tại Iran, cũng như người Hồi giáo Shiite tại Syria vốn là mục tiêu tấn công của nhiều nhóm phiến quân và khủng bố dòng Sunni đối lập.

Hơn nữa, Iran muốn giúp đỡ Tổng thống Bashar al-Assad khôi phục quyền lực. Tổng thống Syria từ trước đến nay luôn có quan điểm tương đồng với Iran về nhiều vấn đề trong khu vực, đặc biệt là phản đối ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, mong muốn Iran sẽ giữ vai trò dẫn đầu khu vực thay vì Saudi Arabia.

Mặc dù phiến quân Syria đã bị thua lớn trên chiến trường và hiện giờ không có mối đe dọa nào rõ ràng đối với chính quyền Tổng thống Assad, nhưng Iran cùng các đồng minh vẫn ở lại Syria. Iran đã điều cố vấn từ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Iran tới Syria, xây dựng nhiều căn cứ và huấn luyện hàng nghìn thành viên của các lực lượng ủng hộ, song song với nỗ lực duy trì quan hệ với các nhóm Shiite thân Iran tại Iraq và nhóm Hezbollah tại Lebanon. Iran thực hiện những công việc này với hy vọng xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến mới.

Việc Iran ngày càng tăng sự ảnh hưởng ở Syria đã khiến Israel “đứng ngồi không yên”. Theo tờ Người Bảo vệ của Anh, giới chức quốc phòng Israel lo ngại rằng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Assad sắp đạt được thắng lợi trọn vẹn, Iran dường như hướng tầm mắt, cũng như họng súng, xa hơn về phía Tây Nam, phía biên giới Israel.

Kết quả là Israel đã nhiều lần nã tên lửa vào khu vực đồn trú của quân đội Syria và đồng minh ở khu vực giáp cao nguyên Golan. Còn Iran thì cam kết sẽ “trả thù” cho các công dân của mình bị thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel và nước này có nhiều lựa chọn trong đòn tấn công đáp trả. Ngoài tấn công bằng tên lửa đạn đạo trực tiếp vào Israel, Iran có thể mở một cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel ở vùng Biển Đỏ.

Israel đã phát động nhiều cuộc không kích chống lại lực lượng Hezbollah và các căn cứ quân sự của Iran trên lãnh thổ Syria kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 3 năm 2011. Sở dĩ Israel muốn can dự vào tình hình chiến sự của Syria vì muốn ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này.

Bên cạnh đó, Israel còn muốn ngăn chặn phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn mở rộng lãnh thổ cũng như ngăn ngừa các nguy cơ bất ổn an ninh. Israel nhiều lần cáo buộc Hezbollah nã đạn pháo vào nước này từ lãnh thổ Lebanon và cũng lo ngại những vụ tấn công tương tự sẽ xảy ra tại khu vực do Israel kiểm soát tại Cao nguyên Golan.

Nhà phân tích Simon Tisdall nhận định, Israel sẽ tiếp tục các cuộc không kích xuyên biên giới nhắm vào các cơ sở quân sự của Iran, thậm chí của cả chính phủ Syria chừng nào Iran vẫn còn hiện diện quân sự tại Syria. "Tình trạng ấy tiếp diễn sẽ trở thành mồi lửa châm ngòi cho chiến tranh giữa Iran và Israel", ông nói.

Theo giới quan sát, các vụ nã pháo và không kích đáp trả lẫn nhau giữa Israel và Syria có nguy cơ dẫn đến cuộc xung đột mới tại khu vực biên giới Syria. Nếu chiến tranh bùng phát đều không có lợi cho cả Israel và Iran cùng các đồng minh. Không những vậy, điều đó còn làm phức tạp thêm tình hình tại Syria và tạo ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trong khu vực, với sự can dự của nhiều quốc gia liên quan./.

Hồng Anh