|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thẩm định hợp đồng bảo hiểm: Dễ trước khó sau!

15:29 | 24/05/2019
Chia sẻ
Ngoài sự khác biệt giữa hoạt động kinh doanh thực tế so với các giả định tính phí khi thiết kế sản phẩm, còn một yếu tố ảnh hưởng tới khả năng lãi hay lỗ của công ty bảo hiểm nhân thọ. Đó là tỷ lệ bồi thường thực tế so với cơ sở giả định lúc tính phí (bảng tỷ lệ tử vong và thương tật).

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã từng đề cập, tỷ lệ tử vong hay tỷ lệ thương tật là một yếu tố cơ bản để hình thành nên phí bảo hiểm và bộ phận thẩm định phát hành hợp đồng chủ yếu làm công việc để xác suất xảy ra các sự kiện trên số đông người tham gia bảo hiểm là thuận theo tự nhiên, có nghĩa là gần sát với các tỷ lệ đã thống kê, không có yếu tố trục lợi làm méo mó các xác suất đó.

Trước khi quyết định phát hành hợp đồng bảo hiểm, các công ty bảo hiểm nhân thọ chuẩn mực sẽ thẩm định rất kỹ để đảm bảo rằng những khách hàng mua bảo hiểm cho các rủi ro sẽ xảy ra trong tương lai, chứ không phải là cho các tổn thất hoặc các rủi ro đã có. Khi công ty bảo hiểm đã thẩm định chặt chẽ ở khâu đầu thì sau này, ở khâu thẩm định bồi thường rất trơn tru nếu khách hàng yêu cầu các quyền lợi đã được bảo hiểm.

Theo một chuyên gia trong ngành, khi bộ phận thẩm định từ chối, tạm hoãn chấp nhận các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hoặc đề nghị tham gia gói sản phẩm khác phù hợp hơn thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh thu của công ty, điều mà không một công ty kinh doanh nào muốn cả. Thực tế, công ty bảo hiểm làm tốt ở khâu thẩm định thì sẽ có lợi cho cả công ty và khách hàng.

Tuy nhiên, khi bị “làm khó” ở công ty bảo hiểm nhân thọ này, có những khách hàng không kiên nhẫn hợp tác để giải quyết các vướng mắc để có thể tham gia, mà chuyển qua các công ty bảo hiểm khác có xu hướng chấp nhận dễ dàng hơn, hoặc khai bớt thông tin bất lợi đi. Nhưng vô hình trung, sự dễ dàng này có thể khiến khách hàng gặp rắc rối sau này khi có yêu cầu bồi thường, chứ không phải là người đại lý tư vấn.

Một công ty bảo hiểm nhân thọ có thể dễ dàng tại khâu thẩm định phát hành hợp đồng để chạy theo các chỉ tiêu doanh thu, họ vẫn chấp nhận các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm khách hàng kê khai không đầy đủ hoặc bỏ qua các nghi vấn cần thời gian để giải trình và kiểm tra. Nhưng, để đảm bảo tỷ lệ chi trả bồi thường thực tế nằm trong phạm vi tỷ lệ tử vong, thương tật khi thiết kế sản phẩm thì bù lại, ở khâu thẩm định bồi thường, họ sẽ phải làm thật kỹ càng và chặt chẽ hơn, mà thường thì khách hàng hay nói là “bị làm khó dễ”.

“Có nhiều khách hàng không được nhận bồi thường do không khai báo đầy đủ lúc tham gia hoặc hợp đồng bị vô hiệu do nhiều nguyên do khác nhau, chủ yếu do các bên không làm chặt chẽ tại khâu đầu tiên. Có những trường hợp sau khi soát xét lại, khách hàng cuối cùng cũng nhận được quyền lợi nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian”, đại diện một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Cũng theo vị đại diện này, về mặt quản lý hoạt động, công ty bảo hiểm nhân thọ không muốn từ chối bồi thường khách hàng, bởi nếu họ từ chối bồi thường quá nhiều bù cho việc thẩm định dễ dàng ban đầu thì họ cũng bị khách hàng phản ứng và thậm chí phải hầu tòa liên tục.

Nhưng nếu chấp nhận bồi thường dễ dàng, xác suất số ca bồi thường cao hơn rất nhiều và thời gian bồi thường xảy ra quá nhanh so với yếu tố kỹ thuật chắc chắn sẽ dẫn đến bị lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, các công ty dễ dãi ở khâu thẩm định phát hành hợp đồng thường cũng là mục tiêu cho các đối tượng cố tình tham gia trục lợi bảo hiểm. Chính vì thế, chất lượng đầu vào (thẩm định, tư vấn) và hoạt động của bộ phận thẩm định phát hành hợp đồng, bộ phận thẩm định bồi thường kết hợp lại chính là nhân tố quan trọng đóng góp vào kết quả lãi hay lỗ cho hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm.

“Tăng trưởng doanh thu chỉ là bề nổi của sự phát triển, một công ty bảo hiểm nhân thọ muốn phát triển vững chắc thì những nhà quản trị điều hành công ty đó phải có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với điều kiện của thị trường, có cơ chế quản trị rủi ro tốt, có tầm nhìn chiến lược rất xa theo hướng đảm bảo an toàn tài chính cho khách hàng trong dài hạn”, một chuyên gia lâu năm trong ngành nhìn nhận.

Ngọc Lan