|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thái Lan và Việt Nam chạy đua để giành thị phần gạo tại Philippines

15:25 | 02/08/2024
Chia sẻ
Hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam đang cạnh tranh để giành thị phần tại Philippines, nơi tình trạng sản lượng thu hoạch kém khả quan đã buộc Manila phải tăng cường nhập khẩu và cắt giảm thuế quan để bình ổn giá gạo nội địa.

Theo Nikkei Asia, Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu khẩu tới 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay sau khi đã nhập khẩu 3,2 triệu tấn vào năm 2023, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Đây là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Cả hai con số đều cao hơn nhiều so với mức trung bình các năm là 2 triệu đến 2,5 triệu tấn vì hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đã hạn chế việc sản xuất các mặt hàng lương thực chính, đẩy giá lên cao và gây ra lạm phát. Để giảm bớt tác động đến người tiêu dùng trong nước, Philippines đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% vào tháng 6.

Động thái này đã thúc đẩy Thái Lan và Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới - tiếp cận Philippines để tận dụng nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr. đã gặp nhau vào ngày 18/7 tại Hà Nội. Hai bên đã nhất trí rằng Việt Nam sẽ cải thiện chất lượng gạo và tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở nước láng giềng Đông Nam Á.

Theo USDA, Việt Nam đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang Philippines trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam thường cung cấp khoảng 80% lượng gạo nhập khẩu hàng năm cho Philippines.

 Nguồn: Nikkei Asia, Liên Hợp quốc (H.Mĩ Việt hoá)

Trong khi đó, hôm 10/7 các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan đã gặp Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), cơ quan mua gạo của nước này, tại Manila để ký biên bản ghi nhớ rằng Philippines sẽ nhập khẩu ít nhất 130.000 tấn gạo Thái Lan trong thời gian còn lại của năm nay.

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, nước này đã xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 388% so với mức khoảng 62.000 tấn cùng kỳ năm ngoái và khoảng 100.000 tấn trong cả năm 2023.

"Xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm nay vì nguồn cung thiếu hụt buộc nước này phải vội vã nhập khẩu, trong khi đồng baht yếu hơn cho phép các nhà xuất khẩu Thái Lan chào hàng với mức giá cạnh tranh", một thương nhân tại một công ty giao dịch quốc tế chia sẻ với Nikkei Asia.

Bộ Thương mại mới đây cho biết Thái Lan dự kiến sẽ xuất khẩu tổng cộng 8,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 6,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, con số này cao hơn 9% so với dự báo đưa ra đầu năm nay.

Một thương cho rằng thành công của Thái Lan trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang Philippines nên là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam. "Mặc dù Việt Nam là nhà cung cấp truyền thống cho Philippines, nhưng năm nay (Việt Nam) phải tích cực hơn vì sự cạnh tranh đã gia tăng", vị này cho biết.

Tuy nhiên, ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia: "Thái Lan sẽ khó cạnh tranh hơn trong nửa cuối năm vì nguồn cung từ Pakistan sẽ dồi dào hơn trên thị trường và chúng tôi có thể không cạnh tranh được với Việt Nam vì họ có năng suất lúa cao hơn, cho phép họ cung cấp với mức giá cạnh tranh hơn".

Theo USDA, năng suất lúa trung bình của Thái Lan là 400 đến 500 kg/rai (1.600 mét vuông), trong khi năng suất của Việt Nam là 700 đến 900 kg/rai.

Với quy mô này, gạo trắng loại "25% tấm" của Việt Nam, loại gạo thường được Philippines mua, được báo giá ở mức 520 USD/tấn vào tuần trước, thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với loại gạo tương đương của Thái Lan.

"Ở thị trường Philippines, giá cả là chìa khóa", ông Charoen nói. "Nếu bạn có thể cung cấp với mức giá thấp cạnh tranh, bạn sẽ thắng".

Ông Charoen nói thêm rằng ngành công nghiệp gạo toàn cầu cũng đang để mắt đến sản lượng của Ấn Độ, dự kiến sẽ dồi dào trong năm nay. Điều này có thể có nghĩa là lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ sẽ kết thúc, khiến nhiều ngũ cốc hơn tràn vào thị trường toàn cầu và có khả năng gây ra một cuộc chiến giá cả trong phần còn lại của năm.

H.Mĩ

TS Cấn Văn Lực: Fed hạ lãi suất không chỉ giúp ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam
Khi lãi suất đồng USD giảm sẽ không chỉ giúp Việt Nam ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.