Thái Bình đón 10.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư, đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp
Ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1735 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi thực hiện Quy hoạch tỉnh bao gồm tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 1584,61km2 và không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan, với 8 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 7 huyện.
Theo quy hoạch, Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Cụ thể, đến năm 2030, dự kiến ngành công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm 28,8%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 13,4%.
Trong đó, công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng,tận dụng lợi thế vùng biển để phát triển một số lĩnh vực có vai trò động lực như: Cảng biển; năng lượng điện khí, điện gió; công nghiệp...
Mục tiêu đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng.
Thái Bình sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Tỉnh sẽ tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, phát huy các tiềm năng và thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá, như: Năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp...
Cùng với đó, Thái Bình cũng sẽ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than, tỉnh vẫn tiếp tục ổn định vận hành có hiệu quả 2 Nhà máy nhiệt điện hiện có.
Về nông nghiệp, đây vẫn được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng. Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, tỉnh sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng.
Đón 10.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư
Ngày 5/3/2024, tại Hội nghị công bố Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu Quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó quan tâm đầu tư vào Thái Bình trong thời gian tới. Đồng thời, cam kết tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện thuận lợi nhất các dự án trên địa bàn.
Để triển khai thực hiện cụ thể các giải pháp đã đề ra, ông Ngô Đông Hải yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các định hướng lớn của Quy hoạch tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm giải quyết tốt các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch. Từ đó, phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt.
Theo danh mục các dự án ưu tiên tổ chức triển khai thực hiện được đề cập trong Quy hoạch, Thái Bình dự kiến sẽ thực hiện 104 dự án. Trong đó, 8 dự án thuộc Nhóm chương trình ưu tiên thực hiện; 29 dự án thuộc Nhóm hạ tầng kỹ thuật; 34 dự án thuộc Nhóm hạ tầng kinh tế; 29 dự án thuộc Nhóm hạ tầng xã hội và 4 dự án thuộc Nhóm môi trường.