Thách thức xuất khẩu hàng Việt Nam vào EU qua Amazon
Trả lời phóng viên VnReview.vn bên lề hội thảo "Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh Amazon" diễn ra sáng ngày 10/5, ông Andre Aslund, chuyên gia thương mại điện tử và chiến lược marketing đến từ Vorwärts GmbH (thuộc Amazon), hàng hóa Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn khi ra nhập thị trường EU qua kênh Amazon.
Ông Andre Aslund, chuyên gia TMDT và chiến lược marketing đến từ Vorwärts GmbH, Amazon |
Theo ông Andre Aslund, thách thức đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt chính là việc tuân thủ các nguyên tắc pháp luật tại thị trường EU. "Đầu tiên phải đề cập tới chính sách liên quan đến thuế, ví dụ như nếu bán hàng trên Amazon thì chúng ta phải có được mã số thuế VAT, nếu không có mã số này thì sẽ không thể quyết toán được thuế, không thể đáp ứng các yêu cầu giao dịch tại các nước EU", ông Andre Aslund nhận định. Dù vậy, việc nhận mức thuế rất ưu đãi sẽ là một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Theo chuyên gia đến từ Amazon, thách thức thứ 2 chính là phải làm thỏa mãn khách hàng về chất lượng và thiết kế sản phẩm. Nếu chúng ta làm khách hàng hài lòng thì họ sẽ giới thiệu sản phẩm của Việt Nam cho những khách hàng khác. Nhận định về chất lượng hàng hóa Việt Nam, Andre Aslund cho biết ông và các đồng nghiệp đã thực hiện những nghiên cứu và thấy rằng các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng rất tốt, hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu rất cao từ EU.
"Nhưng hiện các doanh nghiệp Việt Nam (và châu Á nói chung) muốn xuất khẩu hàng hóa tới thị trường EU và Mỹ thì đều phải qua các đại lý hoặc trung gian. Nhưng nếu như các doanh nghiệp Việt tìm được cách bán hàng qua Amazon thì chúng ta có thể cắt giảm khâu trung gian này. Từ đó chúng ta có thể giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng của mình", chuyên gia này chia sẻ thêm.
Amazon sẽ là kênh xuất khẩu hiệu quả cho doanh nghiệp Việt |
Trước đây, người tiêu dùng EU thường có tâm lý lựa chọn sản phẩm dựa trên sự uy tín của thương hiệu. Nhưng theo Andre Aslund, thói quen mua sắm của người tiêu dùng EU đã thay đổi đáng kể trong vài năm trở lại đây. "Thay vì lựa chọn đội uy tín của thương hiệu để mua sản phẩm thì nay họ đã có niềm tin vào sản phẩm thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, chẳng hạn như xem đánh giá sản phẩm, hoặc xem rating, xếp hạng sản phẩm thông qua những người dùng khác. Đó là những công cụ tốt để xây dựng thương hiệu và là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu từ những nước đang phát triển như Việt Nam".
Đại diện đến từ Amazon cũng cho rằng, với những thay đổi đó trong hành vi của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung xây dựng thương hiệu bằng cách cung cấp hàng hóa với chất lượng tốt nhất, với thiết kế đẹp, hình ảnh bắt mắt khi được giới thiệu trong website… Chính những yếu tố đó sẽ góp phần tạo ra những rating tốt, có những đánh giá sản phẩm tích cực từ người tiêu dùng, từ đó người tiêu dùng EU sẽ sẵn sàng mua các sản phẩm tới từ Việt Nam.
Hội thảo "Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh amazon" là cơ hội để các doanh nghiệp và chuyên gia cùng trao đổi về xu hướng bán hàng trực tuyến qua trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon; đồng thời triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy những lợi thế sản phẩm của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may và da giày.
Nội dung được đề cập tại hội thảo gồm: xu hướng phát triển thương mại điện tử; cách tiếp cận trực tuyến với người tiêu dùng EU; chiến lược marketing bán hàng qua kênh Amazon.