|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TGĐ VPBank nói gì về kế hoạch kinh doanh tham vọng của ngân hàng năm 2023?

15:23 | 18/04/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết trong giai đoạn 2022- 2026, VPBank sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 30 - 35% và với các cơ sở tiền đề hiện tại, ban lãnh đạo ngân hàng tự tin có thể hoàn thành kế hoạch trong năm 2023.

 Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: DB).

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 chiều 18/4 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết kế hoạch kinh doanh đặt ra của ngân hàng trong năm 2023 là thách thức không nhỏ trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp và rủi ro từ thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông cho rằng với sự chuẩn bị trước về vốn, chiến lược kinh doanh,... đến cuối năm 2023 ngân hàng sẽ đạt được các kế hoạch đã đề ra.

"Nếu không có gì thay đổi thì đến cuối năm nay VPBank sẽ đạt mức vốn chủ sở hữulên trên 150.000 tỷ đồng với 24.000 tỷ lợi nhuận trước thuế và hoàn thành những gì chúng tôi đã đặt mục tiêu", ông Vinh cho hay.

Cụ thể, trong năm 2023 ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với tăng trưởng tổng tài sản 39% đạt 877.000 tỷ đồng,trong đó dư nợ cấp tín dụng tăng 33% đạt 636.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá ước tăng 41%, đạt 518.000 tỷ đồng. 

Con số tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch có vẻ thận trọng hơn với mức tăng 13% so với năm trước đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này tương đương với việc tăng 53% đối với các nguồn thu nhập chính (không bao gồm phí trả trước hoạt động bảo hiểm trong năm 2022).

 Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VPBank. (Nguồn: VPBank).

Nhận định về năm 2023, ông Vinh cho rằng đây sẽ là một năm tiếp tục nhiều thách thức cho ngành ngân hàng trong khi môi trường lãi suất tăng cùng với triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản, tạo áp lực lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng.

Thêm vào đó, NHNN cũng sẽ thận trọng hơn trong việc cấp hạn mức tín dụng, hạn chế dòng tiền chảy vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao. Trong bối cảnh này, các ngân hàng có nền tảng vốn mạnh mẽ, chất lượng tài sản và đa dạng hoá nguồn huy động sẽ có sức chịu đựng tốt hơn.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết HĐQT ngân hàng luôn kiên định trong các bước đường tương lai đảm bảo rằng VPBank có những tiềm năng phát triển dài hạn. Một trong những động lực của chặng đường chiến lược 2022 - 2026 là việc hợp tác với đối tác Nhật Bản SMBC trở thành ngân hàng Top đầu về vốn chủ sở hữu.

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 150.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ lớn nhất hệ thống.

Để thực hiện chiến lược đầy tham vọng này, ông Vinh cho biết ngân hàng cũng đã đưa ra các định hướng hoạt động kinh doanh chi tiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo 2022 - 2026.

Theo đó, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng với mức tăng trưởng kép trong 5 năm là 35%, và tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng đa năng với trụ cột chính là bán lẻ, trong đó tỷ trọng bán lẻ trên tổng danh mục tín dụng đạt trên 70%.

Các động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ việc đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng thông qua khai thác sâu phân khúc trung lưu, cao cấp và tiếp tục tối ưu cơ hội trong các phân khúc tiềm năng đối với KHCN. Đồng thời gia tăng các sáng kiến và giải pháp tài chính toàn diện, mở rộng hệ sinh thái đối tác, nhằm thúc đẩy quy mô và chiếm lĩnh thị phần cho phân khúc SME.

"Với dự báo dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng và bứt phá trong giai đoạn tới khi Việt Nam liên tục được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và triển vọng trong dài hạn, VPBank sẽ tập trung nắm bắt các cơ hội hợp tác phát triển với nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI thông qua đa dạng các dịch vụ ngân hàng giao dịch và thanh toán", Tổng Giám đốc VPBank cho hay.

Vị này cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnhtăng trưởng huy động từ cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng CASA để tối ưu chi phí vốn. Cùng với đó, việc khai thác các nguồn vốn ổn định từ nước ngoài sẽ tiếp tục được chú trọng để gia tăng nguồn vốn trung dài hạn, củng cố sự an toàn của bảng cân đối. 

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho hay khó khăn với công ty tài chính tiêu dùng FE Credit vẫn còn, HĐQT đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc FE Credit, cải tổ lại hoạt động để thích hợp với điều kiện môi trường mới.

"Mảng tài chính tiêu dùng mặc dù có khó khăn do COVID-19 và khủng hoảng kinh tế nhưng vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng với hơn 60% người dân chưa thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng", ông Vinh nói.

Diệp Bình