TGĐ VPBank: Gốc rễ của giảm lãi suất không nằm ở thủ tục mà nằm ở thị trường, đó là vấn đề thanh khoản
Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết trong nửa đầu năm sự nỗ lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất lớn từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách hỗ trợ, thúc đẩy theo chủ trương của Chính phủ.
"Có thể nói những gì NHNN làm được trong thời gian này là quá nhiều, trong đó duy trì chính sách tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định, đặc biệt là giảm được lãi suất điều hành thời gian qua. Đây là một nỗ lực, cố gắng rất lớn để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm khó khăn", ông đánh giá.
Việc ban hành các Thông tư 02, Thông tư 03, Nghị định liên quan đến trái phiếu, gần đây nhất là các quy định về việc nới lỏng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng lên tới 14-15%… đã gỡ khó cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng.
Ông Vinh cho hay bản thân ngân hàng cũng rất hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN chấp nhận giảm lợi nhuận của mình, có những ngân hàng lớn như BIDV… qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ, bản thân VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ, mức giảm từ 2-3%.
Các ngân hàng cũng đang tiếp tục triển khai các phương án để tăng thêm mức tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, có những vướng mắc bản thân ngành ngân hàng không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.
Cụ thể, khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Trong khi toàn nền kinh tế có đến 70-80% doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, mấy trăm nghìn công nhân thất nghiệp,… Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan nhà nước về chính sách.
Ông Vinh đề xuất hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện vay thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.
Bên cạnh đó, để giảm lãi suất, Thủ tướng, Thống đốc, hiệp hội ban hành rất nhiều các văn bản kêu gọi, vận động, áp dụng các biện pháp hành chính cũng đã giảm được rất nhiều nhưng gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường.
"Đó là vấn đề thanh khoản, nếu chúng ta không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó", Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ.
Ông cho hay trong 6 tháng đầu năm hai động lực về đầu tư và xuất khẩu đều khó khăn nhưng rất may đầu tư công đã phục hồi. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho tăng trưởng, đưa được nguồn vốn lớn cũng ứng ra nền kinh tế nhưng điều đó là không đủ. Theo ông, cần tập trung để kích thích tiêu dùng nội địa vì đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
"Tôi mong rằng các chính sách thúc đẩy sẽ tạo ra những thay đổi dần trong quý III và quý IV. Đây là điều kiện quan trọng nhất trong điều hành vĩ mô cho phép chúng ta hướng đến sự tăng trưởng.", ông Vinh nói.
Đối với hỗ trợ tài chính tiêu dùng, theo ông Vinh, nhu cầu của người dân là có nên cần chính sách để triển khai hết các hình thái cho vay tiêu dùng để giải quyết việc suy giảm tiêu dùng của người dân trong thời gian qua.
Và cuối cùng, cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, nhà đầu tư ở khắp mọi nơi nhưng khi thực hiện lại gặp khó khăn; bảo vệ tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ về đầu tư, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng.
Theo ông, người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.