TGĐ Tập đoàn Nagakawa: Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, nếu vay vốn còn khó khăn chúng tôi sẽ thua ngay trên sân nhà
Tại hội nghị “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” chiều ngày 21/9, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa, đã có phần chia sẻ về tình trạng vay vốn, lãi suất của doanh nghiệp (DN).
Bà cho hay khi làm việc với các ngân hàng gặp rất nhiều thuận lợi, các ngân hàng tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn khó khăn, ngân hàng không vẫn duy trì và không cắt giảm nguồn vốn của doanh nghiệp đồng thời tất cả ngân hàng có quan hệ với Nagakawa đều cắt giảm lãi suất và thường xuyên làm việc để tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
"Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi chúng tôi gặp một số vướng mắc khó khăn mà chi nhánh không giải quyết được mà cần các cấp cao hơn", bà cho hay.
Bên cạnh khó khăn về "room tín dụng" diễn ra vào cuối năm 2022, TGĐ Nagakawa có đề cập đến vấn đề về lãi suất, mặc dù đã giảm nhưng chưa đáp ứng được với nhu cầu doanh nghiệp và vấn đề tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn, các chỉ số tài chính của DN suy giảm trong khi ngân hàng vẫn duy trì việc đánh giá xếp hạng theo cách thông thường làm DN giảm khả năng tiếp cận vốn giá rẻ. Do đó, bà đề nghị ngân hàng điều chỉnh nới lỏng tiêu chí đánh giá và điều kiện ưu đãi lãi suất trong bối cảnh khó khăn này.
"Các đối thủ nước ngoài của chúng tôi có tiềm lực tài chính vững mạnh, trong khi Nagakawa cũng như DN trong nước phải chịu điều kiện chặt chẽ của ngân hàng. Khi chúng tôi không có nhiều điều kiện về tiềm lực tài chính sẽ làm suy giảm khả năng cạnh trạnh và có thể sẽ thua ngay trên sân nhà", bà Huyền Thương nói.
Đại diện Nagakawa cũng đã tiếp nhận và trả lời câu hỏi củaThống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cụ thể về tình hình tài chính, tỷ lệ đòn bẩy, tỷ trọng chi phí lãi vay của doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng Giám đốc Nagakawa chia sẻ doanh thu của Tập đoàn là 2.000 tỷ, tỷ suất lợi nhuận khoảng 10 - 15%, các chi phí vận hành của DN thường rơi vào 20%. "Riêng chi phí tài chính chiếm khoảng 3-4%, là chi phí rất cao so với một DN như chúng tôi đặc biệt khi đòn bẩy tài chính của chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi hoạt động dựa trên nguồn vốn từ ngân hàng rất là lớn. Vì vậy khi lãi suất cao như vậy ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN".
Thống đốc cũng đặt ra câu hỏi về việc doanh nghiệp có chủ động chuẩn bị các biện pháp để lường trước những khó khăn của thị trường hay không. Theo Thống đốc, trong khi bối cảnh thế giới lạm phát đang rất cao, nếu như doanh nghiệp cứ đầu tư, cứ đi vay nhiều thì đến thời điểm cơ quan quản lý có các chính sách kiểm soát lạm phát thì chính doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn.
Trả lời vấn đề này, bà Huyền Thương chia sẻ: "Trong cơ cấu chi phí tài chính của chúng tôi có chi phí trả cho các bank, các định chế tài chính, cho các nhà phân phối, cho các hệ thống sàn thương mại điện tử, siêu thị. Trong 3-4% chi phí tài chính thì chi phí lãi vay chiếm khoảng 68 – 70%. DN sẽ căn cứ vào tình hình nguồn vốn đã có và sẽ có để sắp xếp kế hoạch kinh doanh".
Các giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra như điều chỉnh kế hoạch kinh doanh về doanh thu, lợi nhuận, đặt mục tiêu giữ thị phần lên trên, chỉ tiêu lợi nhuận đặt thấp hơn.
Đại diện Nagakawa chỉ là một trong những doanh nghiệp góp mặt trong hội thảo đưa ra đề xuất giảm lãi suất cho vay, giảm các khoản phí, giữ nguyên tỷ lệ tài sản đảm bảo,...
Kết luận hội nghị, Thống đốc NHNN nhấn mạnh doanh nghiệp và ngân hàng cần làm việc cụ thể với nhau về các vướng mắc, từ đó tìm được hướng giải quyết. Các vấn đề doanh nghiệp đề xuất sẽ được NHNN tổng hợp để báo cáo trình Chính phủ.