|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TGĐ Sacombank: 9 khoản vay chiếm 48% vốn tự có phát sinh trước khi ông Dương Công Minh tham gia tái cơ cấu, đã thu hồi hết

15:48 | 21/07/2023
Chia sẻ
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết thời điểm Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra, đánh giá thì các vấn đề này vẫn còn tồn đọng. Tuy nhiên đến nay, Sacombank đã xử lý phần lớn nợ xấu và tài sản tồn đọng, hoàn tất xử lý tất cả các vấn đề về sở hữu chéo, đầu tư góp vốn sai quy định.

 Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. (Ảnh: Sacombank).

9 khoản vay nêu trong kết luận thanh tra phát sinh trước khi ông Dương Công Minh gia nhập

Mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, đã trả lời thẳng thắn với truyền thông về những nghi vấn mà dư luận đặt ra thời gian qua sau khi kết luận thanh tra Chính phủ được công bố với ghi nhận một số sai phạm về quy định cấp tín dụng của ngân hàng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết Sacombank đã cho vay 9 khách hàng với dư nợ tính đến cuối tháng 8/2018 là 9.262 tỷ đồng, chiếm 48,52% vốn tự có của ngân hàng này. Mục đích vay của 9 khách hàng trên để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng một dự án. 

Về vấn đề này bà Diễm khẳng định nhóm 9 khách hàng này không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. 

Về dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An mà nhóm 9 khách hàng cùng vay để rót vốn, đây là dự án có quy mô rất lớn, được phép chuyển nhượng theo từng phân khu, vị trí đắc địa. Do vậy việc nhiều nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng và cùng tham gia đầu tư cũng là hợp lý và pháp luật cho phép.

Tại thời điểm cho vay, Sacombank nhìn nhận đây là các khách hàng có pháp nhân độc lập, tình hình hoạt động ổn định, phương án kinh doanh khả thi, có vốn tự có để trả lãi. Trong quá trình vay, các khách hàng này cũng trả vốn lãi đúng hạn.

Tổng Giám đốc Sacombank khẳng định: "9 khoản vay này đều phát sinh trước khi ông Dương Công Minh tham gia tái cơ cấu, trở thành Chủ tịch Sacombank và tôi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc ngân hàng. Nhưng dù phát sinh ở thời điểm nào, tôi với tư cách là người đại diện pháp luật, luôn xác định mình phải có trách nhiệm xử lý triệt để những tồn tại làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, đưa Sacombank phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững."

Bà Diễm cho hay trong quá trình cho vay, có thể đã có một số thiếu sót và các thiếu sót này đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận và chỉ ra trong kết luận gần đây. Như việc khách hàng cung cấp dữ liệu sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế, phải đến khi thanh tra chỉ ra, ngân hàng mới biết.

Sacombank đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, có lộ trình thu hồi nợ vay. Đến nay, Sacombank đã thu hồi hết toàn bộ nợ vay của 9 khách hàng này và các khách hàng mà kết luận thanh tra đề cập như CTCP Đầu tư Long Biên, CT TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Office 85, CT TNHH Sản xuất Thương mại Soài Rạp, CT TNHH Bất động sản Trí Đức, CT TNHH Vina Alliance, Công ty CP Đồng Tâm.

Riêng CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn vẫn còn dư nợ tại Sacombank, đây là khoản vay được Đề án tái cơ cấu cho phép tiếp tục tài trợ, cơ cấu nợ. Hiện tại, khách hàng vẫn đang sử dụng vốn tự có để thanh toán vốn và lãi vay đúng hạn theo thỏa thuận; tài sản đảm bảo của khách hàng đều rất có giá trị, tọa lại các vị trí đẹp và khách hàng cũng đang trong quá trình đàm phán với nhiều đối tác có nhu cầu.  

Về sai phạm liên quan đến sở hữu chéo Ngân hàng Kiên Long, góp vốn mua cổ phần vào CTCP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn vượt quá quy định, bà Diễm cho hay các vi phạm này đều phát sinh trước khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt.

Cùng với đó, 77 khoản nợ trước khi bán cho VAMC không được trích lập bổ sung dự phòng hơn 2.400 tỷ đồng nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đều phát sinh từ Ngân hàng Phương Nam. Căn cứ hiện trạng tại thời điểm sáp nhập, Sacombank tiếp tục theo dõi và xử lý những khoản vay này. 

Sacombank đã xử lý phần lớn nợ xấu và tài sản tồn đọng

Thực tế sau sáp nhập, nội lực tài chính của Sacombank còn hạn chế lại phải đối diện hàng loạt áp lực từ nợ xấu và tài sản tồn đọng tăng cao, khả năng hoạt động liên tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vị này cũng cho hay Sacombank đã trình NHNN xin được áp dụng một số cơ chế đặc thù về việc bán nợ VAMC, cũng như trích lập dự phòng theo năng lực tài chính để từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh lõi, gia tăng nguồn lực để xử lý dần các tồn đọng theo lộ trình.

Trong thời gian chờ NHNN xem xét và trình Chính phủ phê duyệt, Sacombank đã bán cho VAMC các khoản vay này để giảm áp lực phải trích dự phòng ngay theo quy định. "Đây là giải pháp tốt nhất mà Sacombank có thể thực hiện nhằm vừa đảm bảo an toàn hoạt động, vừa thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra trước đó theo lộ trình", bà Diễm nói.

Đến nay, đối với các khoản vay đã bán nợ VAMC, Sacombank đã trích lập dự phòng đầy đủ theo Kết luận thanh tra và theo quy định. Một số khoản vay không thể khắc phục được, chúng tôi đã trích lập dự phòng 100% trái phiếu VAMC. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót của mình, sẵn sàng khắc phục các tồn đọng cũng như kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.

"Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng đủ 100% dự phòng đối với tất cả các khoản nợ đã bán VAMC này. Đồng thời, quyết liệt triển khai các biện pháp như đôn đốc khách hàng thanh toán, bán đấu giá tài sản/khoản nợ, khởi kiện… để xử lý thu hồi nợ", bà Diễm cho hay.

Bà Diễm cho biết trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu, mục tiêu tiên quyết của Sacombank là phải tập trung xử lý nhanh các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng và phục hồi hoạt động kinh doanh lõi nhằm gia tăng năng lực tài chính.

Thời điểm Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra, đánh giá thì các vấn đề này vẫn còn tồn đọng. Tuy nhiên đến nay, Sacombank đã xử lý phần lớn nợ xấu và tài sản tồn đọng, hoàn tất xử lý tất cả các vấn đề về sở hữu chéo, đầu tư góp vốn sai quy định, phục hồi mạnh mẽ hoạt động kinh doanh lõi.

Ngân hàng cũng gia tăng năng lực quản trị điều hành và quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế. Đối với các khoản nợ xấu tồn đọng còn lại chưa xử lý được, chúng tôi cũng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định và đang quyết liệt thu hồi theo lộ trình.

"Vừa qua, Sacombank cũng đã trình NHNN phương án xử lý tài sản đảm bảo là cổ phiếu của ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ. Trong điều kiện thuận lợi được phê duyệt sớm, Sacombank sẽ chính thức hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngay trong năm nay hoặc nửa đầu năm sau.

Như vậy đến thời điểm hiện nay, Sacombank là ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tái cơ cấu bằng vốn tự có mà không phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Đích đến không còn xa nữa", Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ.

 Sacombank đạt hơn 4.700 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2023

Tính đến ngày 30/06/2023, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 4.755 tỷ, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% KH Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 622.000 tỷ, tăng hơn 5% so đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%.

Tổng huy động đạt hơn 549.000 tỷ, tăng gần 6%; trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 10%. Ngân hàng cũng tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi với quy mô hơn 25.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhờ đó dư nợ tín dụng đạt hơn 460.000 tỷ, tăng gần 5%.

Tổng thu nhập thuần đạt hơn 13.500 tỷ, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động được kiểm soát dưới tiến độ theo kế hoạch. Theo đó, tỷ lệ CIR đạt 47,8%, giảm 0,6% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước trích lập chi phí Đề án đạt gần 6.300 tỷ, tạo điều kiện trích lập ròng hơn 1.500 tỷ dự phòng VAMC. Các chỉ số sinh lời tiếp tục được cải thiện.

 

Huyền Phương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.