|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TGĐ FiinGroup: 'Nên cho phép nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ được bảo lãnh bởi ngân hàng'

15:52 | 17/12/2022
Chia sẻ
Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup kiến nghị nên cho phép bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho NĐT cá nhân nếu trái phiếu này được bảo lãnh bởi ngân hàng. Điều này sẽ vừa tận dụng được năng lực giám sát của hệ thống ngân hàng vừa tận dụng được nguồn vốn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững" sáng 17/12.

Phát biểu về các giải pháp khai thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hướng đến phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP FiinGroup cho biết, hiện, thị trường TPDN còn rất nhiều thách thức lớn như việc năng lực tín dụng của tổ chức phát hành trái phiếu còn phân hóa và hạn chế. Chất lượng hàng hóa thiếu thông tin và chưa rõ ràng, đã xảy ra một số trường hợp vi phạm.

"Bảng chào phát hành TPDN cách đây 2 -3 năm đã quá cũ và đến nay không có một thông tin nào đáng kể cho nhà đầu tư (NĐT) để cập nhật về chất lượng tín dụng hay khả năng trả nợ", Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup chỉ ra và khuyến nghị, trước khi đề xuất về chính sách doanh nghiệp nên minh bạch hơn với nhà đầu tư.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải minh bạch với NĐT

Theo ông Thuân, khi phát hành trái phiếu, Chính phủ cũng phải minh bạch toàn bộ thông tin về thu, chi ngân sách. Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê công bố thông tin rất chi tiết. Vì vậy, không có lý do gì mà doanh nghiệp huy động tiền từ người dân lại không minh bạch thông tin với nhà đầu tư.

Mỗi năm có khoảng 200 – 350 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ. Hiện số dư trái phiếu lưu hành khoảng 1,3 triệu tỷ đồng đến từ 627 doanh nghiệp. Chào bán ra công chúng còn quá ít với chỉ 10-14 doanh nghiệp thực hiện phát hành/năm. Trái phiếu chào bán trên thị trường quốc tế cũng rất ít, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận các khoản vay ngoại tệ.

“Đây không chỉ là vấn đề môi trường lãi suất cao, không chỉ là vấn đề chất lượng doanh nghiệp yếu kém, không minh bạch, không chỉ là vấn đề các vụ việc vi phạm mà còn có rất nhiều vấn đề khác”, ông Thuân nhận định.

Cơ cấu TPDN phát hành riêng lẻ. (Nguồn: FiinRatings).

Đánh giá thách thức lớn thứ hai nằm ở các định chế trung gian, ông Thuân cho biết, bản thân sản phẩm trái phiếu không có lỗi mà vấn đề nằm ở nhà phát hành, quá trình vận hành thị trường,…

Ông cho rằng vai trò ủy thác (fiduciary) của các định chế trung gian cụ thể là công ty chứng khoán và ngân hàng vẫn chưa được phát huy tốt. Trái phiếu là sản phẩm đầu tư, nó rất phức tạp không khác gì chứng khoán nhưng trong khi đó thu nhập lại cố định nên việc phân tích các rủi ro rõ ràng là không phù hợp với tất cả các nhà đầu tư nếu như không có sự hỗ trợ của các định chế trung gian

Ông nhấn mạnh vai trò uỷ thác trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn còn rất yếu, cần có sự tư vấn, minh bạch trước khi bán sản phẩm cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng trung gian chưa hình thành đầy đủ: minh bạch thông tin, thứ cấp tập trung, xếp hạng tín nhiệm, định giá trái phiếu. Ông Thuân khuyến nghị, nhân dịp này, nên hoàn thiện sớm nhất có thể.

Đại diện FiinGroup đánh giá, hành lang pháp lý mà Nghị định 65 đưa ra đã khá tốt, mặc dù trong ngắn hạn phải sửa đổi nhưng về dài hạn đây sẽ là cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Thách thức tiếp theo nằm ở yếu tố nhà đầu tư, sự am hiểu của nhà đầu tư cá nhân còn hạn chế và mang tính truyền tai, bề nổi. Chính sách điều chỉnh kịp thời cho một số thất bại của thị trường nhưng chưa hình thành một hệ thống nền tảng đầy đủ và có tính tiên liệu cao.

Cho phép phát hành TPDN được ngân hàng bảo lãnh cho NĐT cá nhân

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững". (Ảnh: Hạ An).

Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, ông Thuân cho rằng, nếu vừa kết hợp được giải pháp ngắn hạn và những giải pháp dài hạn thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp “chữa cháy” sẽ là chìa khoá cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Về giải pháp ngắn hạn, ông khuyến nghị cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao, gồm: Rà soát, đánh giá, phân loại xác định cụ thể nhà phát hành có rủi ro cao; Khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu nhiều bởi nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý và bảo vệ NĐT; Hướng dẫn phương án tái cấu trúc nợ.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp phát hành và các đơn vị có liên quan thì cần tự đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ bằng việc chuẩn bị phương án hoặc tự tái cấu trúc nợ sớm nhất có thể. Các trường hợp vi phạm không trả được nợ trái phiếu thì cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục tòa án, phán quyết và quyết toán nghĩa vụ nợ, giải quyết cho quyền lợi của trái chủ nhanh nhất có thể để giữ vững niềm tin thị trường.

Bên cạnh đó, ông kiến nghị vẫn cho phép bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho NĐT cá nhân nếu trái phiếu này được bảo lãnh bởi ngân hàng. Điều này sẽ vừa tận dụng được năng lực giám sát của hệ thống ngân hàng vừa tận dụng được nguồn vốn.

Tổng Giám đốc FiinGroup cho rằng, hiện TPDN phát hành ra công chúng còn rất hạn chế, mặc dù có rất nhiều thách thức về nền tảng nhưng trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần thúc đẩy mạnh mẽ thị trường này.

Với TPDN phát hành đại chúng, cần đẩy nhanh quá trình phê duyệt nếu hồ sơ phương án đáp ứng quy định, là doanh nghiệp niêm yết chưa vi phạm các quy định về công bố thông tin, có điểm xếp hạng tín nhiệm ở mức cao,... 

Về trung dài hạn, tiếp tục hoàn thiện nền tảng thị trường theo 3 nhóm giải pháp: Chuẩn hóa chất lượng cung hàng, hạ tầng trung gian về giao dịch và minh bạch thông tin; và mở rộng cơ sở NĐT định chế, ông Thuân đề xuất.

Hạ An