|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank và sự đánh đổi phí thanh toán lấy thu nhập lãi thuần

16:23 | 03/03/2020
Chia sẻ
Theo VDSC, việc đẩy mạnh giao dịch trực tuyến mà không thu phí đã giúp Techcombank giảm được chi phí huy động vốn. Tuy nhiên, chính sách này cũng khiến phí thanh toán của ngân hàng này giảm 10% trong năm 2019.
Techcombank và sự đánh đổi phí thanh toán lấy thu nhập lãi thuần - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Techcombank)

Đánh đổi giữa thu nhập lãi thuần và thu nhập phí thanh toán

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo phân tích hoạt động kinh doanh của Techcombank với nhận định ngân hàng này đang đánh đổi giữa thu nhập lãi thuần và thu nhập phí thanh toán.

Theo VDSC, thu nhập lãi thuần là động lực tăng trưởng của Techcombank trong năm 2019 với mức tăng 25,9% so với năm trước nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng tăng mạnh 44,3% cùng với việc cắt giảm một nửa số dư trái phiếu doanh nghiệp và sự cải thiện tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) từ 4,0% lên 4,3% chủ yếu từ giảm chi phí huy động vốn 32,5 điểm cơ bản.

Trong các ngân hàng được VDSC theo dõi (không tính VietinBank), Techcombank là ngân hàng duy nhất giảm được chi phí vốn trong năm 2019.

Cụ thể, chi phí huy động tiền gửi của ngân hàng giảm từ 4,6% xuống còn 4,1% nhờ vào việc cải thiện tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA) thêm 4,5 điểm phần trăm lên 34,5% vào cuối năm 2019. Theo số liệu ngân hàng cung cấp, tổng chi phí vốn giảm được nhờ vào chính sách Zero fee là 1.263 tỉ đồng, đủ để bù đắp cho các chi phí thanh toán và hoàn tiền tương ứng.

Trong khi đó, thu từ phí thanh toán giảm 10% do ngân hàng đẩy mạnh giao dịch trực tuyến mà không thu phí. Thu nhập dịch vụ khác giảm 7,8% do thu nhập từ tư vấn phát hành trái phiếu giảm 16,4% từ mức thu nhập cao đạt được năm 2018.

Tại mảng dịch vụ, phí bancassurance gần như là động lực tăng trưởng duy nhất với mức tăng 29% và đóng góp 28,6%; qua đó giúp tổng thu nhập dịch vụ năm 2019 hầu như không đổi so với năm trước.

Techcombank và sự đánh đổi phí thanh toán lấy thu nhập lãi thuần - Ảnh 2.

Dư nợ liên quan đến bất động sản chiếm hơn 77%

Theo số liệu của VDSC, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản (chủ đầu tư, nhà thầu và người mua nhà) của Techcombank chiếm 77,2% tổng tín dụng.

Đồng thời, ngân hàng sẽ tiếp tục dịch chuyển dần các khoản vay cho chủ đầu tư và nhà thầu sang cho vay cá nhân mua nhà để ở với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng cho vay mua nhà đạt ít nhất 35% trong năm 2020. Theo kế hoạch này, dư nợ cho vay mua nhà so với tổng dư nợ tín dụng có thể sẽ tăng lên mức 40% vào cuối 2020 từ mức 33,3% hiện nay.

Theo VDSC, với tiềm năng mở rộng mảng cho vay mua nhà – chủ yếu là kì hạn dài và có mức lãi suất vay cao, lợi suất tài sản dự kiến sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng thêm. Mặt khác, điều này có thể bị bù trừ một phần bởi áp lực huy động vốn dài hạn để tài trợ cho vay mua nhà do tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã tăng khá nhanh từ 31,5% năm 2018 lên 38,4% năm 2019, rất gần với ngưỡng quy định hiện tại.

Tuy vậy, VDSC cho rằng Techcombank vẫn có khả năng tiếp tục mở rộng NIM nhưng tốc độ sẽ có xu hướng chậm lại trong thời gian tới.

Techcombank và sự đánh đổi phí thanh toán lấy thu nhập lãi thuần - Ảnh 3.

Quốc Thụy