|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tàu vỏ thép theo Nghị định 67 mắc cạn vì nợ xấu: Chết vì máy thủy China

07:50 | 31/10/2019
Chia sẻ
Chị Lan xây xẩm mặt khi ông chồng từ Trường Sa điện về thông báo “gửi thêm 5.000 lít dầu cho tàu ở cửa biển Kỳ Hà tỉnh Quảng Nam chở ra…”. Xài máy Trung Quốc hao tổn nhiên liệu khủng khiếp, máy móc cọc cạch hư hỏng. Đó là thảm cảnh của những ngư dân lắp máy thủy Trung Quốc, không đủ tiền mua máy Nhật Bản. Nghị định 67 quy định ngư dân phải lắp máy mới 100%.

TÀU ĐẸP, MÁY XẤU

Tàu QNg 90594 TS neo tại cửa biển Cổ Lũy (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) tiếp dầu để chuẩn bị mở biển. Con tàu được đóng theo Nghị định 67 vào ngày 19/6/2015. Thân vỏ tàu dài 24 mét và được thiết kế khá mềm mại- hai đường cong chạy dọc thân tàu vắt lên mũi không có vẻ cứng cáp mà lượn sóng. Tàu được sơn màu cánh gián hợp với màu đỏ của long cốt, có bề ngang 7,3 mét, cao 2,8 mét.

Chui xuống khoang máy tàu, hình ảnh trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp bề ngoài - lấm lem dầu mỡ, nhớt, dầu chảy loang. Thuyền trưởng Bùi Đức Thanh chỉ vào chiếc máy, than vãn: “Máy Trung Quốc, chết vì nó, hư gì mà hư nát”.

 Cỗ máy sơn màu vàng, nhãn hiệu Weichai của Trung Quốc (seri X6170ZC550-4) có công suất 748 mã lực. Theo hợp đồng mà gia đình anh Thanh ký với Công ty TNHH MTV Võ Nhuận, toàn bộ hệ thống động lực (máy, hộp số, thanh chuyền…) trị giá 1,6 tỷ đồng. 

Ông Thanh cho biết, một số ngư dân đã cố gắng vay thêm tiền để sắm máy Nhật Bản mới nên không có sự cố gì, còn máy Trung Quốc thì lãnh hậu quả.

Quan sát bề ngoài của chiếc máy Weichai, dọc nắp quy lát và mấu nối các đường ống bị hoen gỉ nặng, thanh đai của nắp quy lát thậm chí có dấu hiệu bị mục, thép sùi ra. Tệ nhất là mặt bít tiếp nối giữa xi lanh và thành máy, nắp các te chứa nhớt đều bị rỉ dầu.

Anh Hòa, một thợ máy lâu năm nhận xét, tiêu chuẩn của một chiếc máy tốt là phải luôn khô ráo, việc xì nhớt và dầu chảy lênh láng khắp nơi cho thấy, chủ tàu đang “ôm” phải chiếc máy kém chất lượng và đầy rủi ro đối với mỗi chuyến đi biển.

“TẮM” DẦU MÁY

Chị Lương Thị  Hồng Lan, vợ thuyền trưởng Thanh ở xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hằng ngày lên Icom 3 phiên để cung cấp tình hình thời tiết cho hàng ngàn tàu cá ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đồng thời dõi theo con tàu của gia đình ở Trường Sa. 

Bão số 5 tràn vào các tỉnh miền Trung, sau phiên liên lạc, chị hối hả chạy bốc nóng hàng trăm triệu đồng, vì anh Thanh chồng chị điện về nói gửi ra thêm 5.000 lít dầu.

Chị Lan cho biết, tàu hạ thủy đi làm được 1 phiên vào cuối năm 2015, vợ chồng chị bắt đầu “ngấm đòn” vì máy quá hao dầu nhớt. Chiếc máy Nhật Bản mỗi lần xuất bến chỉ bơm 15.000 lít, ra Trường Sa tiếp thêm 5.000 lít dầu nữa là đi đủ phiên 3 tháng vô bờ. 

Nhưng chiếc máy Trung Quốc này cái gì cũng gấp đôi, dầu 35.000 lít vẫn chưa thấy đủ, nhớt mang theo hơn 12 thùng, mỗi thùng 1,2 triệu, trong khi máy Nhật Bản cũ chỉ xài hết 4-5 thùng. Chỉ sau 3 tháng đầu đi biển, chiếc máy mới tinh đã phải sửa chữa hết 27 triệu, trong khi máy Nhật Bản hoạt động tương tự thì phải 5 năm sau mới hỏng hóc.

Mùa biển năm 2017, con tàu này chính thức chết hẳn. Từ quần đảo Trường Sa, thuyền trưởng Thanh điện về thông báo “chết con heo dầu”. Một chiếc tàu cá làm nghề câu mực ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã đến cứu, kéo ròng rã 3 ngày đêm vào đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Chị Lan phải vào Bình Định cầu cạnh thợ máy đón xe vào TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), đón tàu ra đảo để sửa máy với chi phí 49 triệu đồng.

Tai ương không dừng lại ở đó, đầu tháng 10/2019, chị Lan nghe chồng gọi vào bờ “tàu chết máy, sóng lớn quá, gọi cứu hộ khẩn cấp”. Ngoài biển, anh Thanh “tắm dầu” khắp người vì hì hục tự sửa chữa, dầu phun ướt cả người. Chiếc máy tàu nhảy lò cò như người bị thương để đẩy tàu vào đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Ông chủ tàu sút cả chục kg vì tàu hỏng.

Ngập chìm trong nợ vì máy móc

Toàn bộ kinh phí đóng chiếc tàu cá QNg 90549 TS là 5,4 tỷ đồng, trong đó vợ chồng chị Lan vay của ngân hàng 3,8 tỷ đồng (còn nợ tiền gốc 3,1 tỷ). Trong thời gian 2 năm đầu tiên, gia đình chị trả tiền lãi, gốc đúng thời hạn. Nhưng từ năm 2018 đến nay thì “đứng bánh” và bị ngân hàng thông báo “nợ xấu”.

Theo chị Lan, Nhà nước ưu đãi ngư dân năm đầu tiên lãi suất bằng 0. Tuy nhiên, thời gian làm hồ sơ, đóng tàu cho đến khi đi được chuyến biển để trả nợ thì cũng mất gần 1 năm. 

Trong thời gian đó, do gia đình cạn vốn nên chị thế chấp toàn bộ sổ đỏ, nhà cửa để vay gói tín dụng tiêu dùng 200 triệu nhằm mua tổn phí cho chuyến biển. Sau khi chị trả được 67 triệu tiền gốc và lãi thì ngân hàng kẹp luôn cuốn sổ đó vào hồ sơ tàu 67.

Có một sai lầm không thể khắc phục được, đó là máy tàu. Nếu máy thủy của Nhật Bản đã qua sử dụng và nhập khẩu vào Việt Nam thì giá thành chỉ 600 đến  900 triệu/chiếc và chạy rất bền, ít bị hỏng hóc, tiết kiệm nhiên liệu gần gấp đôi và vận hành an toàn. 

Tuy nhiên, Nghị định 67 quy định tàu mới thì phải lắp máy mới, trong khi một chiếc máy mới hiệu Yangmar của Nhật Bản có công suất 829 mã lực trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng. Quy định “tàu 67 gắn máy mới” nên ngư dân ít tiền không có cơ hội sử dụng máy cũ của Nhật Bản đã qua sử dụng và nhập khẩu. Tiền ít, ngư dân lắp máy thủy Trung Quốc để rồi ngập chìm trong nợ.

Ông Huỳnh Văn Minh - Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An, TP  Quảng Ngãi là người am hiểu về máy móc cho biết, máy thủy Trung Quốc sau 4 năm sử dụng chỉ bán ngang với giá sắt vụn.

Tàu vỏ thép theo Nghị định 67 mắc cạn vì nợ xấu: Chết vì máy thủy China - Ảnh 1.

Máy thủy của Trung Quốc đang được rao bán tràn lan tại xã Nghĩa An Ảnh: L.V.C

Liên quan đến chủ trương hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, ĐBQH Lê Công Nhường thông tin, tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá trên toàn quốc đến nay là gần 11.700 tỷ đồng; công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển trong nước, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt ngoài vùng biển Việt Nam. Mặt khác, nhà chức trách công bố 21 mẫu tàu vỏ thép được cấp phép đóng mới theo Nghị định 67, nhưng khi áp dụng từng địa phương chưa phù hợp; một số tàu vừa hoạt động một năm đã hư hỏng.

Tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ, lãi 107 tỷ đồng. Theo quy định, các chủ tàu này không được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, việc thu nợ khó khăn. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã quá vội vàng khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", ông Nhường nói.


Lê Văn Chương