|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tàu cá 'nằm bờ' vì giá xăng dầu tăng cao

22:30 | 01/07/2022
Chia sẻ
Ước tính của các chủ tàu khai thác biển thì hiện nay tại cửa biển Trần Đề, số lượng tàu cá hoạt động chỉ khoảng 50 - 70%.

 Tàu cá 'nằm bờ' vì giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: Báo Khánh Hòa).

Trong nửa đầu năm nay, cùng với giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng đến người trồng lúa thì ngư dân khai thác vùng ven biển Sóc Trăng cũng gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao liên tục.

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm nay, cả số lượng tàu cập cảng cá Trần Đề và sản lượng khai thác biển đều giảm. Số tàu thuyền cập cảng là 9.512 lượt, giảm 10% so với cùng kỳ; trong đó, tàu khai thác xa bờ có 8.626 lượt tàu cập cảng. Hàng năm, sản lượng khai thác biển của tỉnh Sóc Trăng đạt trên 70.000 tấn, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay sản lượng khai thác chỉ đạt 35.067 tấn do tàu cá “nằm bờ”.

Thường vào những tháng đầu năm là thời điểm sóng yên, biển lặng, thuận lợi cho ngư dân khai thác biển, nhưng tại khu vực cảng cá Trần Đề hiện có hàng trăm tàu cá phải “nằm bờ”, không dám hoặc hạn chế ra khơi vì mỗi chuyến đi hầu như không hiệu quả. Tại cảng cá Trần Đề, không khí bốc xếp hàng hóa cũng không còn tấp nập, rộn rã như những tháng trước Tết.

Những hình ảnh thực tế này đang là tình cảnh chung của rất nhiều ngư dân tại Sóc Trăng từ nhiều tháng nay khi giá nhiên liệu phục vụ đánh bắt liên tục tăng cao. Chi phí đầu tư cao, trong khi nguồn lợi thủy sản trên biển không còn phong phú như trước, vươn khơi để chờ may rủi từ “lộc biển” hay “nằm bờ” chờ giá đang là mâu thuẫn lớn đối với nhiều ngư dân.

 
Ước tính của các chủ tàu khai thác biển thì hiện nay tại cửa biển Trần Đề, số lượng tàu cá hoạt động chỉ khoảng 50 - 70%. Các chủ tàu có đội tàu nhiều thì luân phiên khai thác. Một số tàu hoạt động theo kiểu cầm chừng, không ít tàu đã tạm ngưng từ 1 - 2 tháng nay với hy vọng giá xăng dầu hạ nhiệt.
Ông Nguyễn Văn Thơ, ngư dân huyện Trần Đề chia sẻ: “Giá dầu lên như vậy là quá cao, trong khi thủy sản đánh bắt không còn nhiều như trước, giá cá, mực.. cũng không lên nhiều theo giá dầu nên bà con có tàu đánh bắt phần lớn bị lỗ. Như tàu của tôi nằm bờ cũng 2 tháng nay rồi”.
 
Tàu cá “nằm bờ”, lượng hàng hóa qua cảng vì thế cũng giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, 24 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản xung quanh khu vực cảng cá Trần Đề hiện cũng chỉ còn 3 - 5 cơ sở duy trì hoạt động. Nguyên nhân là do không đủ nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sơ chế, chế biến. Nhiều cơ sở cho biết, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến giảm trên 50% so với năm 2021. Không chỉ cơ sở bị ảnh hưởng về doanh thu, nhiều công nhân làm thời vụ cũng bị ảnh hưởng đáng kể về thu nhập khi công việc liên tục phải gián đoạn.
 
Chị Cao Thị Hồng Cẩm, Trưởng Chi nhánh, Công ty TNHH thực phẩm Duy Quốc tại huyện Trần Đề cho biết, hiện công ty vẫn có đơn đặt hàng, nhưng không đủ nguyên liệu để sản xuất do tàu giảm hoạt động. Mấy tháng trước, mỗi ngày cơ sở có thể làm từ 1 - 2 tấn nguyên liệu, nhưng hiện chỉ có vài trăm kg/ngày. Có nhiều ngày cơ sở phải cho công nhân nghỉ vì không có nguyên liệu.
 
Khó khăn trong hoạt động đánh bắt của ngư dân cũng như hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở thu mua, chế biến trên bờ đang đặt ra áp lực lớn đối với Ban quản lý cảng cá Trần Đề. Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Trần Đề cho rằng, đối với các doanh nghiệp ngưng hoạt động sẽ kéo theo hệ lụy là sản phẩm sẽ không thể đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Các tàu thuyền không hoạt động cũng gây ảnh hưởng đến khâu dịch vụ hậu cần nghề cá. Mặc dù trước mắt giá nhiên liệu tăng mạnh, nhưng ngư dân vẫn còn cầm cự được là nhờ giá cả đầu ra tăng nhẹ và người dân cũng liên kết khai thác để giảm chi phí.
 
Tuy nhiên, về lâu dài nếu giá cả nhiên liệu đứng ở mức cao thì cũng rất cần những chính sách hỗ trợ để hoạt động khai thác biển của tỉnh được thuận lợi. Đối với Ban quản lý cảng cá cũng sẽ tiếp tục chia sẻ khó khăn với ngư dân, kịp thời bố trí khu vực neo đậu ổn định cũng như tiếp cận, hỗ trợ ngư dân các dịch vụ hậu cần cần thiết để bà con khi trở lại đánh bắt, khai thác biển được thuận lợi nhất.
 
Điều đáng mừng là mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá trong giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, ngay trong chiều ngày 1/7, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm nhẹ, ngư dân khai thác biển đang hy vọng giá nhiên liệu tiếp tục giảm xuống để mỗi chuyến biển về chở đầy niềm vui.
 
“Bão giá” đã và đang là vấn đề thời cuộc, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống của người dân. Sự đồng hành, vào cuộc từ các bộ, ngành, các cấp chính quyền sẽ là trợ lực để ngư dân có thể yên tâm vươn khơi, bám biển thay vì “treo tàu”, “bám bờ”.

Trung Hiếu