|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tập trung trục nông nghiệp nông thôn, HDBank giữ vững quỹ đạo tăng trưởng

12:07 | 10/08/2023
Chia sẻ
Ngày 8/8, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - Mã: HDB) đã tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 với hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng tích cực, triển khai Basel III và chuyển đổi số toàn diện.

 

Tỷ suất sinh lời TOP đầu thị trường, HDBank giữ vững quỹ đạo tăng trưởng năm thứ 10 liên tiếp

Tại hội nghị, ông Hoàng Thanh Tùng - Giám đốc ban Quan hệ Nhà đầu tư HDBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng đều tăng trưởng tích cực. Tổng tài sản của HDBank đã đạt 483.936 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 309.645 tỷ đồng, tăng 44%. Tổng dư nợ đạt 293.129 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.

Trả lời nhà đầu tư về kết quả trên, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc HDBank lý giải thêm, Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng chỉ tiêu huy động vốn nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cho hoạt động tín dụng, nắm bắt xu thế phục hồi của nền kinh tế nửa cuối năm 2023, đồng thời tăng cường chất lượng nguồn vốn đáp ứng chuẩn mực mới Basel III.

Trong kỳ vừa cập nhật, hiệu quả quản trị chi phí của HDBank tiếp tục được nâng cao với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tiếp tục xu hướng giảm trong những năm gần đây và đạt dưới 35%.

Một điểm sáng khác là hoạt động số hóa đã mang lại một số thành tựu tích cực cho HDBank khi số lượng khách hàng sử dụng kênh số 6 tháng đầu năm tăng gần 70%; số lượng giao dịch trên các nền tảng số tăng 116% ứng với giá trị giao dịch tăng 132% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ CIR liên tục giảm, tỷ lệ NIM ổn định, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, doanh thu và lợi nhuận của HDBank giữ vững quỹ đạo tăng trưởng năm thứ 10 liên tiếp. Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5.484 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó đạt 22%, tiếp tục giữ vị thế ngân hàng thương mại hiệu quả hàng đầu hệ thống.

Chủ động nắm cơ hội từ xu thế phục hồi

Thông tin tại hội nghị, Giám đốc ban Quan hệ Nhà đầu tư HDBank cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung trên thị trường nửa đầu năm 2023, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank được kiểm soát ở 1,82%, hợp nhất là 2,15% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (khoảng 3,4% tại cuối tháng 4/2023).

Cùng với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, qua 6 tháng đầu năm 2023, HDBank đảm bảo các chỉ tiêu thanh khoản, tỷ lệ an toàn hoạt động tốt hơn nhiều so với quy định của NHNN. Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 12,3%, cao gấp 1,5 lần mức tối thiểu theo quy định hiện hành; tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) là 67,8%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 85%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của HDBank ở mức thấp nhất trong ngành 9,2%, thấp hơn rất nhiều so với mức tối đa được cho phép là 34%.

Chia sẻ tại hội nghị, Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh nhấn mạnh, với những cân đối trên, HDBank có lợi thế để nắm bắt xu thế phục hồi trên thị trường và tin tưởng sẽ đạt các mục tiêu tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm 2023.

Với xu thế phục hồi của nền kinh tế khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn, chính sách điều hành của NHNN và lãi suất đã giảm sâu, chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu sẽ tích cực hơn. Theo đó, HDBank đặt mục tiêu sẽ giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu hợp nhất xuống 1,7-1,9% vào cuối năm nay. Ngân hàng cũng kỳ vọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được NHNN giao từ 23-25%, gắn với nhiệm vụ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, qua đó tạo thêm cơ sở để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Những nội dung chính trong phần hỏi đáp giữa Nhà đầu tư với HDBank tại hội nghị

Nhà đầu tư: Room tăng trưởng tín dụng hiện tại của HDBank là bao nhiêu? Ngân hàng có dự kiến xin thêm hay không?

Tổng Giám đốc HDBank: Ngân hàng dự kiến sẽ đề xuất NHNN cấp thêm room tín dụng, đạt khoảng 23-25% năm nay. Mức tăng trưởng tín dụng này dựa trên nhiều yếu tố như: HDBank sẽ tham gia vào quá trình tái cấu trúc, hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng yếu kém; HDBank là một trong những ngân hàng có xếp loại tốt nhất trên thị trường, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế từ Basel II đến Basel III. Nhờ vậy, ngân hàng đang đạt kế hoạch và kỳ vọng sớm được cấp room tín dụng trong quý 3.

 

Nhà đầu tư: Định hướng hoạt động trong nửa cuối năm 2023 là gì? Ngân hàng có dự tính điều chỉnh lợi nhuận hay không và nếu có thì điều bao nhiêu? Những giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch kinh doanh là gì?

Tổng Giám đốc HDBank: Ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện các định hướng, chiến lược 5 năm. Trong thời gian 6 tháng còn lại, HDBank sẽ tập trung tăng trưởng tín dụng theo room đang có và mới của ngân hàng. Ngân hàng sẽ tận dụng xu thế hồi phục của nền kinh tế và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời giảm chi phí về vốn sau khi đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng về số dư huy động tại thị trường 1. Từ giờ đến cuối năm, HDBank có kế hoạch đảo dần và giảm chi phí vốn bình quân xuống dưới 6%.

Bên cạnh đó, định hướng của ngân hàng là tập trung cho doanh thu từ phí và doanh thu ngoài lãi, trong đó, chủ yếu với xu thế của lãi suất và tỷ giá thì mảng kinh doanh nguồn vốn và ngoại hối sẽ trở thành mảng quan trọng của HDBank trong giai đoạn 6 tháng tới. 

Tiếp đến, ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội có nhiều khả năng phục hồi của thị trường bancassurance và trái phiếu, bất động sản trong giai đoạn cuối năm, từ đó nâng cao hiệu quả về thu phí dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi, giảm tỷ lệ nợ xấu trọng giai đoạn cuối năm với kỳ vọng đưa tỷ lệ nợ xấu hợp nhất xuống khoảng 1,7-1,9%.

Cuối cùng, theo như trình bày trước đó, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, và dùng các nền tảng, công cụ chuyển đổi số nhằm khai thác sâu vào hệ sinh thái hơn 40 triệu khách hàng tại HDBank. Từ đó, tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng cũng như tăng trưởng nguồn vốn giá rẻ, đóng góp vào việc giảm chi phí vốn và tăng trưởng doanh thu về phí của ngân hàng. 

Nhà đầu tư: Vì sao HDBank lại chọn nông nghiệp và nông thôn làm trụ chiến lược? Phân khúc này có gì hấp dẫn?

Tổng Giám đốc HDBank: Đây là một phân khúc rất thú vị tại HDBank. Ngân hàng đã tham gia vào phân khúc này khoảng hơn 5 năm về trước. Khi mới bắt đầu tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, HDBank cũng có những e ngại nhất định. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2-3 năm, phân khúc này đã chứng tỏ rất tiềm năng để tăng trưởng.

Có thể nói, nhờ chiến lược này mà HDBank cho vay được những khoản vay nhỏ và có tài sản đảm bảo tốt, sức hấp thụ tín dụng luôn luôn cao và NIM tốt, chất lượng tài sản tốt. Nông nghiệp và nông thôn đang là phân khúc trụ cột chiến lược đóng góp vào danh mục khách hàng, dư nợ và huy động của HDBank trong thời gian hiện nay và tương lai. 

Nhà đầu tư: Lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng là bao nhiêu? Thời gian qua có giảm nhiều hay không?

Ông Phạm Văn Đẩu - Giám đốc tài chính HDBank: Lãi suất cho vay của HDBank trong thời gian qua vẫn được điều hành theo định hướng chung của thị trường, mang tính cạnh tranh cao. Về lãi suất huy động, nhờ thương hiệu, uy tín của mình, HDBank huy động tốt với mức lãi suất ở mức trung bình. Về điều hành lãi suất, ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn để hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Nhà đầu tư: Đến 30/6/2023, tín dụng của ngân hàng chỉ tăng hơn 9%, tiền gửi khách hàng lại tăng đến hơn 40%? Đây có phải mức quá nhanh không và dự kiến tỷ lệ LDR và chi phí vốn của HDBank như thế nào trong nửa cuối năm 2023?

Tổng Giám đốc HDBank: Việc tăng trưởng huy động, đặc biệt là huy động thị trường 1 nằm trong chiến lược tăng trưởng vốn và tổng tài sản của HDBank, đặc biệt là trong chiến lược tuân thủ chuẩn mực quốc tế về Basel III và cân đối tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR).

HDBank đã tận dụng cơ hội của thị trường khi lãi suất giảm sâu để tăng trưởng mạnh với mức lãi suất hợp lý. Sự hợp lý thể hiện ở NIM được duy trì ở mức 5% và vẫn đảm bảo hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Việc huy động nguồn vốn và hạ chi phí cũng để chuẩn bị cho việc tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là trong chu kỳ kinh doanh sôi động hơn vào 6 tháng cuối năm. Bởi huy động trong quý 4 hàng năm thường đi kèm chi phí cao, HDBank đã có chiến lực khác biệt để chuẩn bị cho nguồn vốn vào cuối năm.

Nợ xấu sẽ giảm trong nửa cuối năm

Nhà đầu tư: Dư nợ cho vay bất động sản của HDBank là bao nhiêu? Tỷ lệ nợ xấu có cao hay không? Ngân hàng có biện pháp gì để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu?

Tổng Giám đốc HDBank: Tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản tại HDBank thuộc nhóm tương đối thấp trong ngành, chỉ khoảng 12-13% tổng danh mục. Tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, dưới 0,1%. Việc đó xuất phát từ quan điểm triển khai tài trợ cho lĩnh vực bất động sản ở phân khúc có thanh khoản tốt và mức giá phù hợp với người mua cũng như tài trợ dự án bất động sản ở mức trọn gói để đảm bảo tạo đầu ra cho người mua nhà ở mảng cá nhân, tạo thành chuỗi xuyên suốt.

Nhà đầu tư: Định nghĩa phân loại nợ xấu trước vào sau CIC? Tại sao tỷ lệ nợ xấu của HDBank sau khi phân loại CIC lại cao hơn trước? Những ngành và lĩnh vực nào có nợ xấu gia tăng? Dự kiến sắp tới tỷ lệ nợ xấu tại HDBank là bao nhiêu?

Tổng Giám đốc HDBank: Về phân loại nợ xấu theo Trung tâm Thông tin tín dụng - CIC, theo quy định của NHNN, mặc dù khách hàng tại một ngân hàng đang có chất lượng nợ tốt thuộc nhóm 1, tuy nhiên lại có nợ chuyển nhóm 2, 3 ở ngân hàng khác thì theo quy định ngân hàng kia phải phân loại nợ tương ứng xuống nhóm thấp hơn.

Theo đó, đây chính là sự khác biệt của số liệu nợ xấu riêng lẻ tại HDBank chỉ khoảng 1,4%, tuy nhiên sau CIC khoảng 1,8% là do việc kéo theo chất lượng của của khách hàng tại các ngân hàng khác.

Việc phát sinh nợ xấu trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đi vào các phân khúc cho vay tiêu dùng, thương mại, bán buôn và bán lẻ, sản xuất, chế biến, chế tạo, lắp ráp, cơ khí, ôtô,... Theo đó, phù hợp với xu thế chung khó khăn của nền kinh tế và các ngành sản xuất, kinh doanh. Riêng tại HDBank, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản chưa tới 0,1%. 

Trong 6 tháng tới, ngân hàng dự kiến tỷ lệ nợ xấu giảm dần vào cuối quý 3, đầu quý 4. Với mức lãi suất đang vào vùng đáy cùng sự phục hồi của thị trường về chứng khoán, bất động sản,... công cụ hỗ trợ chính sách cùng nhà nước trong việc phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn 6 tháng tới sẽ hỗ trợ cho công tác thu hồi và xử lý nợ xấu tại ngân hàng. Dự kiến tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 6 tháng cuối năm sau CIC chỉ khoảng cỡ hợp nhất 1,7-1,9%.

Lựa chọn thời điểm hoàn tất hợp đồng bancassurance có lợi nhất cho cổ đông

Nhà đầu tư: Kế hoạch ký kết bancassurance độc quyền được triển khai đến đâu? HDBank dự kiến khi nào hoàn thành? Dự kiến giá trị hợp đồng độc quyền là bao nhiêu?

Tổng Giám đốc HDBank: Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ bancassurance độc quyền, HDBank đã chia sẻ nhiều lần với nhà đầu tư trước đó. Hiện nay, ngân hàng vẫn đang triển khai công tác lựa chọn vòng cuối cùng những nhà tư vấn đầu tư về tài chính cho công tác mở thầu và lựa chọn đối tác độc quyền bancassurance. 

Thời điểm hiện tại chưa phù hợp để HDBank mở thầu lựa chọn đối tác, do đó, ngân hàng đang có kế hoạch có khả năng hoàn thành lựa chọn trong thời gian 2023-2024. 

Trước mắt, HDBank sẽ đi cùng nhà tư vấn và đầu tư quốc tế cho công tác chuẩn bị trước khi mở thầu nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho ngân hàng, quý cổ đông và nhà đầu tư.

Hồng Ngọc

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).