|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn VNPT lãi trên 900 tỷ đồng sau hơn hai năm đầu tư hàng trăm triệu cổ phiếu MSB

06:47 | 04/07/2023
Chia sẻ
So giá trị đầu tư ban đầu, VNPT đã lãi 932 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Còn so với giá trị hợp lý tại thời điểm đầu năm 2022 là 2.698 tỷ đồng, khoản đầu tư này đã giảm giá trị gần 1.200 tỷ đồng.

Theo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 do Công ty TNHH Ernst & Young kiểm toán, tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ghi nhận 826 tỷ đồng giá trị gốc vào các cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Mã: MSB), CTCP Địa ốc Dầu khí Viễn thông, CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam,... Trong đó phần lớn là khoản đầu tư vào cổ phiếu MSB.

Cổ phiếu MSB chính thức được niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 23/12/2020 với giá tham chiếu là 15.000 đồng/cp. VNPT bắt đầu công bố báo cáo tài chính đầy đủ đã kiểm toán từ năm 2021. Tại thời điểm 1/1/2021, VNPT sở hữu hơn 71,57 triệu cổ phiếu MSB với giá gốc gần 580 tỷ đồng, tức giá mua vào trung bình là 8.103 đồng/cp. Giá trị hợp lý tại lúc đó đã là 1.345 tỷ đồng.

Trong hai năm 2021 và 2022, Ngân hàng MSB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu MSB do VNPT nắm giữ cũng tăng lên thành 120,9 triệu cổ phiếu, xét tại ngày 31/12/2022. Giá trị hợp lý tại cuối năm 2022 là 1.512 tỷ đồng.

Như vậy, so với giá trị đầu tư ban đầu, VNPT đã lãi 932 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu MSB. Còn so với giá trị hợp lý tại thời điểm đầu năm 2022 là 2.698 tỷ đồng, khoản đầu tư này đã giảm giá trị hơn 1.186 tỷ đồng.

Giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu MSB của VNPT. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán 2021 và 2022 của VNPT). 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSB đã tăng mạnh từ giá tham chiếu 15.000 đồng/cp sau khi lên sàn và đạt đỉnh 22.000 đồng/cp tại thời điểm đầu năm 2022. Sau đó cổ phiếu đã tuột dốc về mốc 12.700 đồng/cp tại cuối năm ngoái, tức giảm hơn 42% sau một năm.

 Diễn biến giá cổ phiếu MSB kể từ khi lên sàn. (Nguồn: TradingView).

Ngoài đầu tư vào cổ phiếu, VNPT còn đang sở hữu khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm 53% cơ cấu tài sản với hơn 54.318 tỷ đồng.

Số tiền này bỏ xa doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền nhất sàn chứng khoán tại thời điểm 31/12/2022 là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) với 34.600 tỷ đồng. Những vị trí xếp sau đó là Tổng công ty khí Việt Nam (Mã: GAS), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Mã: ACV), Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR).

Năm 2022, tập đoàn ghi nhận hơn 2.792 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 600 tỷ đồng so với năm trước đó, và hầu như đến từ lãi tiền gửi.

Minh Hằng