|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tập đoàn Tây Giang và cái bắt tay với PCC1 dấn thân vào lĩnh vực bất động sản

19:47 | 07/11/2019
Chia sẻ
Liên danh Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang và Công ty CP Xây lắp điện I là nhà đầu tư duy nhất vừa trúng sơ tuyển dự án khu đô thị gần 900 tỉ đồng tại Cao Bằng. Trước đó, 2 DN này cũng đã hợp tác với nhau để đầu tư dự án Khách sạn Pác Bó tổng vốn 700 tỉ đồng...

Liên danh Tập đoàn Tây Giang và PCC1 là NĐT duy nhất trúng sơ tuyển, Lào Cai chỉ định thầu dự án khu đô thị gần 900 tỉ đồng

UBND tỉnh Cao Bằng mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu và nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển khu đô thị số 4A1, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng.

Theo đó, dự án phát triển khu đô thị số 4A1 có tổng diện tích 69,74 ha, tổng vốn đầu tư là hơn 896,9 tỉ đồng, nguồn vốn do vốn chủ sở hữu và huy động hợp pháp của nhà đầu tư. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là trong quí IV/2019. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 50 tháng, từ năm 2019 – 2023.

cao bang

Một góc thành phố Cao Bằng. Ảnh minh họa.

Mục tiêu của dự án là xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, san nền, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện chiếu sáng, tạo mặt bằng xây dựng các công trình xã hội, công cộng, khu dân cư, hệ thống cây xanh góp phần tạo khu dân cư mới hiện đại, đồng bộ...

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, hình thức lựa chọn nhà đầu tư của dự án trên là chỉ định thầu do chỉ có một nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án.

Được biết, nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án khu đô thị số 4A1 là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang và Công ty CP Xây lắp điện I (PCC1).

Tập đoàn Tây Giang mạnh đến đâu?

Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (tên viết tắt là TG Group) có địa chỉ tại Tổ 22 đường 3/10 phường Sông Bằng, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Công ty này được thành lập vào ngày 28/9/2010 theo giấy chứng nhận ĐKKD của Sở KH-ĐT tỉnh Cao Bằng, vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Phạm Thanh Lâm, kiêm Chủ tịch HĐQT.

Hiện Tập đoàn Tây Giang là chủ đầu tư nhiều dự án lớn trong lĩnh vực luyên kim, khai khoáng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như:

- Dự án Nhà máy sản xuất Ferromangan – Silicoman tại khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với tổng mức đầu tư hơn 2.051 tỉ đồng;

- Dự án đầu tư nhà mày sản xuất chì kim loại tại Hà Giang với tổng mức đầu tư 720 tỉ đồng;

- Dự án đầu tư cải tạo nhà máy luyện gang thép Bắc Kạn tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn với tổng mức đầu tư gần 435 tỉ đồng…

Các hoạt động kinh doanh chính của công ty bao gồm: Khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản; kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ; đầu tư kinh doanh bất động sản và các dự án khu đô thị, khu nhà ở; du lịch văn hóa, tâm linh và di tích lịch sử; đầu tư tài chính, quản lý nguồn vốn… Trong đó, ngành nghề chính là khai thác quặng sắt.

Tập đoàn Tây Giang cũng là doanh nghiệp đã tặng một chiếc ô tô trị giá hơn 3,7 tỉ đồng cho Công an tỉnh Cao Bằng gây xôn xao dư luận hồi năm 2018.

Tiền thân của Tập đoàn Tây Giang là Công ty TNHH Tây Giang do bà Trần Thị Tuyết làm Chủ tịch HĐQT. Tới tháng 9/2010, Công ty TNHH Tây Giang được đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang. Sau đó, chức chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp cũng được chuyển từ bà Trần Thị Tuyết sang ông Phạm Thanh Lâm.

Ông Phạm Thanh Lâm sinh ngày 8/6/1960, hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại tại P201 B3, Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngày 27/10/2014, Tập đoàn Tây Giang cũng thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Ngô Hồng Hải, tổng giám đốc thời điểm đó sang ông Phạm Thanh Lâm, chủ tịch HĐQT.

Tính đến thời điểm tháng 3/2016, ông Lâm sở hữu 10 triệu cổ phần tại tập đoàn này. Ngoài Tập đoàn Tây Giang, ông Lâm còn đứng tên là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Trồng rừng Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Tây Giang và bà Trần Thị Tuyết – cựu Chủ tịch HĐQT của tập đoàn này cũng chính là những cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt (VMPCO).

tay giang

Cơ cấu vốn sở hữu của các cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt.

Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản Việt được thành lập ngày 25/4/2012 theo giấy phép số 010.5868.530, vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Trụ sở chính của công ty tại tầng 21, tòa tháp A, số 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Các cổ đông sáng lập của VMPCO bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID, tiền thân của TNG Holdings hiện nay); Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang và bà Trần Thị Tuyết.

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam sở hữu 27,5 triệu cổ phần, tương đương 275 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang sở hữu 21 triệu cổ phần, tương đương 210 tỉ đồng. Còn bà Trần Thị Tuyết sở hữu 1,5 triệu cổ phần, tương đương 15 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bản công bố thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp ngày 19/1/2016 cho thấy, cả 3 cổ đông sáng lập trên đều đã rút hết vốn tại VMPCO.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành, tháng 8/2018, Tập đoàn Tây Giang cũng từng hợp tác với Quốc Cường Gia Lai và Công ty cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành để đầu tư khai thác khoáng sản.

bac kan

Đại diện Tập đoàn Tây Giang dẫn đoàn VN Đà Thành Group và ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai thăm mỏ khoáng sản của Tập đoàn Tây Giang tại tỉnh Bắc Kạn hồi tháng 8/2018. Ảnh: VN Đà Thành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vài năm qua, Tập đoàn Tây Giang đã và đang dần lấn sân sang các lĩnh vực như bất động sản và tư vấn, đầu tư tài chính.

Tập đoàn này đã hợp tác với Công ty cổ phần xây lắp điện I (PCC1) đầu tư dự án Khách sạn Pác Bó tại TP Cao Bằng với tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng. Đây cũng là dự án bất động sản đầu tay của Tập đoàn Tây Giang.

Thông tin liên danh Tập đoàn Tây Giang và Công ty cổ phần xây lắp điện I là đơn vị duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Phát triển khu đô thị số 4A1 ở Thành phố Cao Bằng cho thấy sự tiếp tục "dấn thân" vào lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Tây Giang.

Vì chỉ có một nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án nên UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt phương án chỉ định nhà đầu tư cho dự án này. Nếu không có gì thay đổi, liên danh Tập đoàn Tây Giang và PCC1 sẽ được chỉ định làm chủ đầu tư dự án trên.

Doanh thu từ bất động sản của PCC1 sụt giảm mạnh

Doanh nghiệp còn lại trong liên danh trúng sơ tuyển dự án khu đô thị gần 900 tỉ đồng tại Cao Bằng là Công ty Cổ phần xây lắp điện I (PCC1). 

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần xây lắp điện I được thành lập ngày 2/3/1963 với tên gọi ban đầu là Công ty Xây lắp đường dây và trạm, nhiệm vụ trọng tâm là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia. Ở thời điểm thành lập, công ty có 4.000 cán bộ, công nhân viên, 5 đội công trình, 3 công trường, 1 đoàn xe, 1 phân xưởng cơ khí. 

Ngày 30/6/1970, Chính phủ có quyết định thành lập Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm trực thuộc Bộ Điện và Than. Từ đó, Công ty là đơn vị ngang cục, là cơ quan quản lí cấp trên của các xí nghiệp, thực hiện hạch toán kinh tế toàn diện và tập trung.

Giai đoạn 1975 – 1979, Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm có cơ cấu tổ chức độc lập và hoàn chỉnh.

Giai đoạn 1979 – 1981: Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm trực thuộc Bộ Điện lực được đổi tên thành Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 1.

Năm 1988, Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 1 hợp nhất với Công ty xây lắp đường dây và trạm Hà Nội, trở thành Công ty Xây lắp Điện 1, trực thuộc Bộ Năng lượng.

Năm 2005, Công ty xây lắp điện I được cổ phần hóa, trở thành Công ty cổ phần xây lắp điện 1.

Năm 2008, Công ty cổ phần xây lắp điện I đăng ký trở thành Công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Năm 2012, cổ đông nhà nước là Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam thoái vốn toàn bộ khỏi Công ty cổ phần xây lắp điện I và Công ty trở thành 100% vốn tư nhân.

Năm 2016, Công ty niêm yết thành công cổ phiếu PC1 trên sàn chứng khoán TP HCM với mã cổ phiếu là PC1 và phát điện hai nhà máy thủy điện đầu tiên trong chiến lược đầu tư năng lượng.

Hiện PCCI có hơn 20 đơn vị thành viên, xếp hạng thứ 185 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, PCC1 đạt 1.252,7 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 10,6% so với cùng kì.

Hoạt động chiếm tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu kì này là bán hàng hóa, vật tư với 399 tỉ đồng, tăng 46,5%. Hoạt động xây lắp đạt doanh thu 275,6 tỉ đồng, tăng 10%. Hoạt động sản xuất công nghiệp đạt 379 tỉ đồng, gấp 2,2 lần cùng kì. Trong khi đó, hoạt động bất động sản chỉ đem về doanh thu 20 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 252 tỉ đồng cùng kì.

Quí III, PCC1 chỉ đạt 82,6 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kì. Nguyên nhân chính do giá vốn bán hàng và chi phí tài chính, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng cao.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần công ty đạt 4.274 tỉ đồng, tăng 19,5% so với cùng kì. Trong khi đó, lãi sau thuế 9 tháng chỉ đạt 318 tỉ đồng, giảm 26%, hoàn thành 75% kế hoạch cả năm.

Doanh thu mảng sản xuất công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất với 585 tỉ đồng, tăng 84,5%. Doanh thu từ mảng bất động sản 9 tháng đầu năm chỉ đạt 119 tỉ đồng, giảm 86% so với cùng kì.

Khánh Hà