|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn SCG Thái Lan có thể 'một mình một ngựa' thâu tóm khu phức hợp hóa dầu Long Sơn

09:24 | 25/01/2018
Chia sẻ
Tập đoàn SCG hiện đang nắm giữ 71% vốn cổ phần dự án Long Sơn, phần còn lại thuộc về Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
tap doan scg thai lan co the se mot minh mot ngua thau tom khu phuc hop hoa dau long son PVN khó khăn, ông chủ Thái Lan muốn chiếm trọn lọc dầu 5 tỷ USD
tap doan scg thai lan co the se mot minh mot ngua thau tom khu phuc hop hoa dau long son Tập đoàn SCG tiếp tục triển khai Dự án hoá dầu Long Sơn

Tập đoàn công nghiệp Xi măng SCG (Siam Cement Group) có thể sẽ trở thành nhà đầu tư duy nhất tại khu phức hợp hóa dầu Long Sơn, trị giá 5,4 tỷ USD tại miền Nam Việt Nam, tờ Nikkei đưa tin.

Các phương tiện truyền thông tại Việt Nam cho biết từ hôm thứ Hai (22/1) rằng SCG đã gửi thư cho Chính phủ Việt Nam đề nghị sở hữu 100% vốn trong một nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án Long Sơn đã bị trì hoãn nhiều năm. SCG hiện đang nắm giữ 71% vốn cổ phần dự án, phần còn lại thuộc về Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).

tap doan scg thai lan co the se mot minh mot ngua thau tom khu phuc hop hoa dau long son
SCG đã đàm phán với Chính phủ Việt Nam nhằm mua lại 100% dự án Long Sơn

Giám đốc điều hành SCG, ông Roongrote Rangsiyopash trao đổi với phóng viên cho biết, công ty hiện đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các khoản tài trợ, chi tiết xây dựng. Khi được hỏi về việc có sẵn sàng mua lại 29% vốn còn lại, Rangsiyopash trả lời: “Tất cả các lựa chọn là mở”.

Chaovalit Ekabut, giám đốc tài chính SCG cho biết thêm, dự án sẽ có thể bị trì hoàn thêm 6 tháng nữa kể từ thời điểm hiện tại, các hoạt động nhằm phục vụ triển khai dự án vào nửa đầu năm 2022. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm nay.

Dự án phức hợp hóa dầu Long Sơn đã có nhiều năm trì hoãn do các nhà đầu tư đến và đi kể từ khi dự án này được Chính phủ Việt Nam chấp thuận năm 2008. Dự án ban đầu dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2017.

Ba nhà đầu tư đầu tiên của dự án bao gồm SCG và 2 Tập đoàn của Việt Nam là PVN và Vinachem, trong đó SCG là nhà đầu tư lớn nhất.

Năm 2012, Qatar Petroleum tham gia cuộc chơi khi sở hữu 25% cổ phần sự án, tuy nhiên công ty này tiến hành thoái vốn vào năm 2015 khi giá dầu thế giới bước vào thời kỳ sụt giảm mạnh. SCG sau đó nắm giữ 46% vốn cổ phần, tiếp quản lại lượng cổ phần bị “bỏ rơi” sau khi không tìm được đối tác mới phù hợp.

Một cổ đông khác là Vinachem cũng đã thoát khỏi dự án vào năm 2014, tổ chức này chuyển toàn bộ 11% cổ phần nắm giữ sang cho PVN.

Đối với SCG, dự án lọc hóa dầu Long Sơn có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. “Điều mà chúng ta có thể thấy rõ, với dự án Long Sơn, hoạt động hóa dầu nói riêng và hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều”. Cơ hội ở các lĩnh vực kinh doanh khác là tương đối nhỏ.

Sự phục hồi chậm của kinh tế Thái Lan khiến cho ngành kinh doanh vật liệu xây dựng bị sụt giảm. Năm 2017, nhu cầu xi măng của nước này giảm 5%. SCG dự kiến doanh thu từ xi măng có thể tăng 2 – 3% trong năm nay khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ được khởi động.

Để đa dạng hóa hoạt động, SCG ngày càng mở rộng sang các nước láng giềng trong khu vực, thành lập các nhà máy xi măng tại Campuchia, Indonesia, Lào và Myanmar. Công ty kỳ vọng vào sự phát triển bùng nổ tại các quốc gia này trong một vài năm tới, tuy nhiên công ty Thái Lan cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các đối thủ Trung Quốc.

Ngoài xi măng, SCG cũng đã xúc tiến đầu tư ra nước ngoài với lĩnh vực bao bì. Công ty vừa mới mua lại 68,3% cổ phần công ty bao bì Malaysia mang tên Interpress Printers Sendirian Berhad với giá 104,5 triệu Ringgit (tương đương 26,5 triệu USD).

Lợi nhuận ròng năm 2017 của SCG đã giảm 2% so với năm trước đó xuống còn 77,04 tỷ Baht (1,73 tỷ USD), mặc doanh số bán hàng tăng 6% lên 450 tỷ Baht. Điều này cho thấy sự cạnh tranh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ngày càng trở nên gay gắt.

Cơ cấu doanh thu của SCG trong đó doanh thu từ vật liệu xây dựng chiếm khoảng 39% và doanh thu hóa dầu chiếm 46%. Doanh số bán hàng tại các nước Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đã tăng 9% lên 106 tỷ Baht trong năm, chiếm 24% cơ cấu tổng doanh thu của toàn công ty.

Bạch Mộc