|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tập đoàn Mỹ rót hơn 9.700 tỉ đồng vào Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ là 'điểm sáng' đầu tư Đà Nẵng 2019

16:27 | 10/05/2019
Chia sẻ
Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC, Hoa Kỳ) đầu tư với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD (khoảng hơn 9.700 tỉ đồng) được đánh giá là một "điểm sáng" trong thu hút đầu tư năm 2019 của Đà Nẵng.

Trong Chương trình đối thoại trực tuyến chủ đề "Đà Nẵng, điểm đến của các nhà đầu tư" do Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Tọa đàm Mùa Xuân 2019, UBND TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine cho Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC, Hoa Kỳ). Với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD (khoảng hơn 9.700 tỉ đồng), đây được coi là một trong những điểm sáng của thu hút đầu tư năm 2019 tại Đà Nẵng. 

Tập đoàn Mỹ rót hơn 9.700 tỉ đồng vào Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ là điểm sáng đầu tư Đà Nẵng 2019 - Ảnh 1.

Chương trình đối thoại trực tuyến chủ đề "Đà Nẵng, điểm đến của các nhà đầu tư" do Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức. (Nguồn: danang.gov.vn)

Dự án đã khởi công vào ngày 28/3, chưa đầy 1 tháng sau khi được cấp phép và đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành đúng theo tiến độ cam kết. Đây là dự án sản xuất, cung cấp sản phẩm linh kiện cho lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ - một lĩnh vực mới trong cơ cấu các ngành công nghiệp tại Đà Nẵng.

Được biết, Tập đoàn UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới. Ngoài trụ sở tại California (Mỹ), tập đoàn còn có văn phòng tại Úc, New Zealand, Bắc Mỹ và Châu Á.

Tập đoàn sẽ sản xuất 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu trong thị trường hàng không. Mục tiêu đến năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD và nâng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và trên 180 triệu USD/năm từ sau năm 2026.

UAC sẽ cung cấp các bộ phận thân máy bay cho các hãng Boeing 787, 777, 737. Ngoài ra, UAC còn cung cấp động cơ cho Rolls Ryce tại Đà Nẵng. Các chi tiết máy bay được sản xuất tại Đà Nẵng sẽ được xuất khẩu hoàn toàn sang EU, Malaysia, Bắc Mỹ.

Tại Tọa đàm Mùa Xuân 2019, Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án mới và 3 dự án mở rộng đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động.

Trong đó, 1 dự án cấp mới là dự án Mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều với tổng vốn 103 triệu USD tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu và 1 dự án tăng vốn là dự án Tháp Ven Sông với tổng vốn đầu tư đăng ký 56,387 triệu USD, thực hiện ngoài các KCN, Khu CNC.

Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, tại dự án Mở rộng Khu Du lịch Xuân Thiều, chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục hành chính và đã khởi công xây dựng dự án. Dự kiến, hoàn thành triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2025. Còn dự án Tháp Ven Sông đang được nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, đến nay, dự án Key Tronic với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, chuyên sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, cũng đã triển khai việc xây dựng, cải tạo nhà xưởng và lắp đặt thiết bị; dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8/2019.

Lũy kế hết quý I, Đà Nẵng có 716 dự án FDI, nhiều gấp hơn hai lần số dự án đầu tư trong nước

Ông Nguyễn Đình Tuấn cũng thông tin về tình hình thu hút đầu tư vào thành phố trong quý I/2019. Cụ thể, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 1 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 1.824 tỉ đồng; 32 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 356 triệu USD (cùng kỳ có 15 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 triệu USD); có 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 114 triệu USD; 53 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế Việt Nam.

Lũy kế đến nay, thành phố có 323 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 97.700 tỉ đồng và 716 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,4 tỉ USD.

Quý đầu năm, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.023 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.387 tỉ đồng; tăng 17 % về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế đến nay, thành phố có 27.577 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 169.556 tỉ đồng.

Riêng trong Khu công nghệ cao (Khu CNC), ông Phạm Trường Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng cho biết, đầu năm 2019, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, vốn đầu tư 170 triệu USD của tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) đầu tư.

Lũy kế đến nay, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư 560 triệu USD. Trong đó, có 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 256 triệu USD; 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 5.272 tỉ đồng.

Hiện nay, đã có 3 dự án đi vào hoạt động, gồm Tokyo Keiki Precision Technology, NIWA Foundry Co. Ltd. và Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông; các dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư.

Đối với 6 KCN trên địa bàn, trong quý I, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới đối với 3 dự án, gồm: dự án Key Tronic với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD; dự án sản xuất và lắp ráp ô tô các loại với tổng vốn đầu tư 6 triệu USD; dự án Nhà máy chế tạo, gia công các loại ống xả, tổng vốn đầu tư tăng 7 triệu USD. Ngoài ra, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng đối với 2 dự án: Sản xuất, lắp ráp ô tô Nissan với tổng vốn đầu tư tăng là 50 triệu USD và Sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, tổng vốn đầu tư tăng là 30 triệu USD.

Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút 462 dự án, trong đó có 342 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 19.134,1 tỉ đồng và 120 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1.161,1 triệu USD.

N. Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.