Tập đoàn Hàn Quốc làm nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc: Quy mô tài sản hơn 1 tỷ USD, cung cấp sản phẩm cho Samsung và SK Hynix
Ngày 16/9, Công ty TNHH Hana Micron Vina, thành viên của Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc), có trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tổ chức khánh thành dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc và là nhà máy thứ 2 tại Việt Nam.
Từ năm 2019, công ty Hana Micron Vina đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina tại KCN Vân Trung với lĩnh vực sản xuất chính của dự án là đóng gói và kiểm định chất bán dẫn.
Năm 2022, công ty tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất; điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư dự án lên gần 600 triệu USD. Đây là một trong những dự án có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất (khoảng 90 triệu USD/ha) gấp khoảng 8 lần suất vốn đầu tư trung bình của các dự án FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Ông Choi ChangHo, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron cho biết công ty đã đầu tư dự án trên tổng quy mô 66.000 m2. Năm 2022, công ty đã hoàn thiện và đưa nhà máy 1 đi vào sản xuất. Hana Micron Vina 2 là nhà máy sản xuất chất bán dẫn thứ hai của doanh nghiệp Hàn Quốc này.
Công ty dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Tập đoàn cho biết Việt Nam là cơ sở sản xuất số một trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Hana Micron, nhân lực tuyển dụng tại Việt Nam sẽ chiếm 70% trong tổng số nhân lực của tập đoàn.
Tập đoàn Hana Micron được thành lập từ tháng 8/2001 và được niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc (KOSDAQ) năm 2005.
Hana Micron chuyên về công nghệ đóng gói chip bán dẫn giúp chống ẩm và bảo vệ chip trước tác động từ bên ngoài khi sử dụng trên mạch điện tử. Đây là công đoạn đóng gói cuối cùng, có vai trò quan trọng, giúp nâng cao hiệu suất của chip bán dẫn. Hana Micron hiện tại đang cung cấp các sản phẩm cho phía Samsung và SK Hynix.
Theo công bố, trong 4 năm gần nhất, công ty tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận ròng. Năm 2022, doanh thu của tập đoàn đạt 894 tỷ won, tức khoảng 16.450 tỷ đồng (1 tỷ won tương đương 18,4 tỷ đồng), tăng 34% so với năm 2021. Lợi nhuận ròng đạt 582 tỷ won (10.709 tỷ đồng), giảm 9%.
Tổng tài sản tại cuối năm 2022 của tập đoàn là 1.434 tỷ won (26.386 tỷ đồng), tăng 32% so với đầu năm, trong đó 66% nằm ở máy móc, thiết bị. Vốn chủ sở hữu là 488 tỷ won (8.979 tỷ đồng) với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2022 gần 76 tỷ won (1.398 tỷ đồng).
Hana Micron đã và đang phát triển thị trường tại 4 quốc gia là Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam và Brazil. Trong đó, Công ty TNHH Hana Micron Vina quản lý thị trường Việt Nam.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Hana Micron Vina được thành lập tháng 6/2016 với vốn điều lệ ban đầu là 11 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất linh kiện điện tử. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là Lee Hee Bong (sinh năm 1968, quốc tịch Hàn Quốc). Theo thông tin mới nhất, tháng 3/2023, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên hơn 126 tỷ đồng, tương đương 5,5 triệu USD.
Trở lại với nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam, không chỉ riêng của Hana Micron, một "thủ phủ" công nghiệp khác là Bắc Ninh cũng chuẩn bị khánh thành nhà máy của Công ty bán dẫn Amkor, Mỹ vào tháng 10/2023 với tổng mức đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD.
Công ty bán dẫn Synopsys có trụ sở tại bang California cũng đang hợp tác cùng Khu Công nghệ cao TP HCM để xây dựng một trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn. Còn công ty bán dẫn Marvell có trụ sở tại California dự kiến sẽ công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm thiết kế bán dẫn đẳng cấp toàn cầu tại TP HCM.
Trước đó, nhà đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam là Samsung cũng đã cam kết đầu tư hơn 2,6 tỷ USD vào ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp chất bán dẫn đang được kỳ vọng sẽ trở thành luồng gió mới thổi vào kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng của thế giới.