|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tập đoàn Bảo Việt đầu tư gần 1.000 tỷ vào hai mã ACB, CTG, hàng trăm tỷ vào VNM, IJC

10:23 | 31/07/2024
Chia sẻ
Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hơn 5% trong quý II nhờ giảm lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí bán hàng. Công ty đang đầu tư nhiều nhất vào cổ phiếu ACB, với quy mô 564 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH) cho thấy công ty này đang nắm giữ khoảng 3.580 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh (giá gốc). Trong số này, cổ phiếu niêm yết là 2.833 tỷ đồng, còn cổ phiếu chưa niêm yết là 97 tỷ đồng, các loại chứng chỉ quỹ là292 tỷ đồng.

So với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có cùng quy mô như Prudential, Manulife, danh mục đầu tư cổ phiếu của Bảo Việt còn khá khiêm tốn. 

Về cổ niêm yết, danh mục của Bảo Việt đang có quy mô 2.833 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất được liệt kê là 564 tỷ đồng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB); kế đến là 415 tỷ đồng cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM); 391 tỷ đồng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG); 287 tỷ đồng CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC - Mã: IJC) và 266 tỷ đồng cổ phiếu của Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare - Mã: VNR).

Nhóm cổ phiếu niêm yết khác có giá gốc là 910 tỷ đồng vào cuối quý II. So với đầu năm 2023, Bảo Việt đã tăng đầu tư vào hai mã cổ phiếu là ACB và IJC. Trong khi đó, quy mô danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết khác giảm khoảng gần 200 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Bảo Việt cũng đầu tư vào một số cổ phiếu chưa niêm yết như MBLand, Thủy sản Cà Mau ... nhưng quy mô không lớn. Đồng thời, tập đoàn cũng dành 358 tỷ đồng trong danh mục chứng khoán kinh doanh để mua trái phiếu của doanh nghiệp, ngân hàng.

 

Tính đến cuối tháng 6, đầu tư tài chính ngắn hạn là 94.196 tỷ đồng, giảm 7,3% còn đầu tư tài chính dài hạn là 115.897 tỷ đồng, tăng 20,5%. 

Các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn của Bảo Việt chủ yếu là tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ.Bảo Việt có xu hướng chuyển một phần tiền gửi ngắn hạn sang tiền gửi và trái phiếu dài hạn trong hai quý đầu năm. 

Cuối quý II, tập đoàn đang có tổng cộng gần 112.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và dài hạn với lãi suất cao nhất là 10,6%/năm. Lãi suất của các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn của Bảo Việt đang có mức lãi suất thấp hơn một chút so với thời điểm cuối năm 2023, trong bối cảnh lãi suất huy động chạm đáy nhiều năm.

Cùng với đó, Bảo Việt cũng đang nắm khoảng hơn 88.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ ở nhiều kỳ hạn, với mức lãi suất từ 6,08%/năm đến 7,6%/năm.

Ngoài ra, Bảo Việt cũng đầu tư vào một loạt công ty liên doanh, liên kết như BaoViet Bank, Trung Nam Phú Quốc, Tokio Marine Việt Nam, PLT, Long Việt, Bảo Việt SCIC.

Lợi nhuận cải thiện nhẹ

Về kết quả kinh doanh, trong quý II, Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 533 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ở mức 440 tỷ đồng, tăng 4,5%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn đạt lợi nhuận trước thuế 1.275 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế là 968 tỷ đồng. 

Công ty mẹ báo lãi trước thuế quý II là 289,3 tỷ đồng, tăng 6,4%; lãi sau thuế 290 tỷ đồng, tăng 7,6%. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 580 tỷ đồng, tăng 4,2%; lợi nhuận sau thuế là 580 tỷ đồng; tăng 5,5%. 

 

Trong quý II, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 402 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lỗ 795 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của Bảo Việt là 10.431 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ. 

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ gốc là 8.098 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ còn doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ là 2.333 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo Việt đang đứng thứ hai toàn ngành, sau PVI. 

Hoạt động tài chính đem về cho tập đoàn lợi nhuận 2.554 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi tiền gửi giảm sâu. Những mảng kinh doanh khác đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận của Bảo Việt. 

Chi phí bán hàng trong quý II/2024 của tập đoàn giảm 44,9% xuống 252 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36,8% lên 1.382 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng chủ yếu do chi phí nhân công và chi phí dịch vụ mua ngoài. 

Đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Bảo Việt ở mức 234.884 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Quy mô tài sản của tập đoàn không tăng nhiều so với thời điểm cuối quý I.

Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn là 94.196 tỷ đồng, giảm 7,3% còn đầu tư tài chính dài hạn là 115.897 tỷ đồng, tăng 20,5%. Bảo Việt có xu hướng chuyển một phần tiền gửi ngắn hạn sang tiền gửi và trái phiếu dài hạn trong hai quý đầu năm. 

Minh Quang

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.