Tăng tuổi nghỉ hưu: Tránh 'vỡ quỹ BHXH'; nhưng bất lợi cho ngân sách Nhà nước?
Doanh nghiệp kêu khó
Là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, ông Trần Chung cho rằng không nên áp dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam.
“Đặc thù của ngành xây dựng làm việc trong môi trường khắc nghiệt (cơ bản làm việc ngoài trời), độ cao lớn. Môi trường làm việc chịu tác động của các điều kiện khói, bụi. Áp lực công việc cao do yêu cầu của khách hàng. Độ tuổi từ 25- 40 là giai đoạn lý tưởng nhất cho một nhân sự làm việc trong ngành xây dựng. Do đó, nếu quy định nam phải là 62 và nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu, lúc ấy chân chùn, gối mỏi, mắt mờ, tôi e rằng người lao động sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu công việc”- ông Trần Chung nói.
Chủ tịch công đoàn một công ty chuyên gia công linh kiện phụ tùng cũng nhấn mạnh, đặc thù công việc của công ty là cần sức khỏe, sự khéo léo và tính tỷ mỉ. Dù môi trường làm việc không khắc nghiệt ngoài trời như ngành xây dựng hay độc hại như ngành sản xuất cao su… nhưng nếu quy định đến 60 – 62 tuổi mới nghỉ hưu thì e rằng hiệu suất làm việc không cao. Bởi ở tuổi đấy, bảo các anh chị ấy đứng máy 8 tiếng/ngày hay ngồi gò lưng chừng ấy thời gian để cân bu - lông, ốc vít rồi đếm từng viên bi một…. chắc chắn không hiệu quả như các bạn trẻ nhanh tay, nhanh mắt, khỏe mạnh, dẻo dai được.
“Hiện người nhiều tuổi nhất của công ty tôi cũng chỉ chưa đến 40 tuổi. Bạn ấy làm được 3 năm tại công ty. Tuy nhiên, có những đợt cao điểm cần làm tăng ca, bạn ấy cũng không thể tham gia được. Chưa kể, nay bạn ấy kêu đau lưng, mai bạn ấy kêu mỏi gối. Nếu mà đề xuất này được thông qua thì thực sự làm khó cho doanh nghiệp” – vị cán bộ công đoàn này chia sẻ.
Cần tính toán kỹ hơn việc tăng tuổi nghỉ hưu
Trước dự kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và việc lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các tổ chức trước khi trình Quốc hội của Bộ LĐTB&XH, được biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về vấn đề này.
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm cá nhân về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét đến yếu tố là sức khỏe, điều kiện môi trường làm việc của người lao động.
Theo đó, đối với lao động làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giầy hoặc ngành điện tử - những lao động làm việc sản xuất trực tiếp, ông Mai Đức Chính cho rằng đa số họ không đồng ý. Bởi họ khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất.
“Khối cán bộ, công chức sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vì cần sử dụng lao động có kinh nghiệm, chất xám nhưng cũng phải tính tới yếu tố chỉ cần một bộ phận nhỏ, chứ không phải tất cả cán bộ, công chức đều phát huy được hiệu quả. Ngay như trong ngành giáo dục, không phải cô giáo nào cũng muốn đứng lớp khi tuổi cao, nhất là những cô giáo bậc học mầm non, tiểu học; hoặc trong ngành y tế – những bộ phận như hộ lý, y tá họ làm việc rất vất vả và không phải ai cũng muốn làm tăng tuổi” – ông Mai Đức Chính nói thêm.
Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh thêm, một trong những mục đích tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, nhưng cần xem xét và tính toán kỹ hơn. Bởi vì có thể được lợi cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách Nhà nước.
“Chúng ta có thể đơn cử như thế này, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2,34; trong khi lương của người lao động đến tuổi nghỉ hưu ít nhất cũng hơn 5,0 (gấp hơn 2 lần) nhưng chất lượng làm việc của người lao động đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã bằng lớp trẻ. Vậy nhưng, ngân sách Nhà nước phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Do đó, đây là bài toán cần cân nhắc kỹ, cả về vấn đề giải quyết việc làm mới và cân đối ngân sách Nhà nước”- ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng cho rằng, do tuổi thọ của người Việt dần cao lên nên đương nhiên phải kéo dài thời gian làm việc nhưng phải xác định cụ thể từng đối tượng chứ chưa nên làm đồng loạt. Thậm chí, theo ông Tùng thì chỉ cần thực hiện ở khoản 3 điều 187 Bộ Luật Lao động hiện hành là đủ. Khoản 3 đã quy định rõ người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm.
Tăng tuổi nghỉ hưu: Lo sức ép quỹ lương nhà nước
Theo N. Huyền
Infonet