Tăng trưởng trên 20%, nhiều quỹ tăng cơ hội gọi vốn
Với việc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam quay trở lại trạng thái hoạt động bình thường, tổng số công ty quản lý quỹ đã được nâng từ 46 công ty vào thời điểm cuối năm 2016 lên 47 công ty vào thời điểm cuối quý II/2017.
Thời gian tới, ngành quỹ sẽ đón nhận thêm một thành viên mới. Theo thông tin mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, Ngân hàng SeAbank đang tiến hành các thủ tục thành lập Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, một số công ty quản lý quỹ quy mô nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng thoái vốn như Công ty Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Minh Việt (tháng 5/2017) và Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra các công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết tháng 6, tổng tài sản quản lý của ngành quỹ đạt khoảng 141.824 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2016. Dẫn đầu thị trường về tổng tài sản quản lý tiếp tục là Công ty Quản lý Quỹ Eastspring Investement và Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund). Tốc độ tăng trưởng về tài sản quản lý trong 6 tháng đầu năm của hai công ty tương đương 12%.
Trong số các công ty quản lý quỹ đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2017, Top 3 công ty có mức lợi nhuận cao nhất lần lượt là: Công ty Quản lý Quỹ Ngân hàng Công thương (Vietinbank Capital) với 42,5 tỷ đồng, tăng mạnh so mức 22,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016; Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) với 40,18 tỷ đồng và Công ty Quản lý Quỹ Ngân hàng Quân đội (MB Capital) đạt 25,8 tỷ đồng.
Những số liệu trên đã cho thấy, các công ty quản lý quỹ nội địa đã có một khởi đầu tích cực cho năm 2017, điều này còn được thể hiện ở kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư.
Nhiều quỹ tăng trưởng trên 20%
Nhận định được đưa ra từ một số chuyên gia tài chính, năm 2017 là năm đột phá của ngành quản lý quỹ, thể hiện qua sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng cũng như quy mô của các quỹ. Tính từ đầu năm tới nay, có 2 quỹ mở được thành lập mới, bao gồm Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường (VESAF) của Vinawealth (tháng 4/2017) và Quỹ Đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF) của SSIAM (tháng 5/2017). Tuy nhiên, do Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam (VFMVFA) giải thể, nên tổng số quỹ mở tăng từ 19 quỹ vào cuối năm 2016 lên 20 quỹ vào giữa năm 2017.
Bên cạnh các quỹ mở, thị trường còn có 11 quỹ đóng hiện đang hoạt động, bao gồm cả Quỹ Bất động sản Techcom (TCREIT) và 2 quỹ ETFs.
Hiệu quả hoạt động của các quỹ mở nội địa được ghi nhận khá ấn tượng. Hầu hết các quỹ đều có mức tăng trưởng tốt hơn so với mặt bằng lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn. Đặc biệt, nhờ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, các quỹ mở cân bằng và quỹ đầu tư cổ phiếu đã có kết quả lợi nhuận khá ấn tượng, nhiều quỹ đạt mức tăng trưởng trên 20% trong vòng 6 tháng.
Các quỹ mở của Vietcombank Capital tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu. Quỹ cổ phiếu VCBF - BCF của Vietcombank tăng trưởng 24,9%, tiếp theo là các quỹ ENF của Eastspring (23%), SSI-SCA của SSIAM (22,1%) và BVFED của Baoviet Fund (21,3%).
Các quỹ mở trái phiếu tuy không đạt mức tăng trưởng vượt trội như các quỹ mở cổ phiếu, nhưng cũng có kết quả tích cực và ổn định. Quỹ tăng trưởng cao nhất là VFMVFB (7,3%), theo sau là BVBF (6,5%). Quỹ mở trái phiếu tăng trưởng thấp nhất là MBBF với mức tăng 3,2%.
Với kết quả đầu tư vượt trội so với các kênh đầu tư truyền thống, các quỹ mở đã đạt được những thành công bước đầu trong việc huy động vốn và mở rộng quy mô quỹ. Tổng tài sản được quản lý bởi các quỹ mở đến tháng 6/2017 đạt 5.729 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cuối năm 2016. Đặc biệt, nửa đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô của Quỹ trái phiếu TCBF do Techcom Capital quản lý.
Ngay từ năm 2016, TCBF đã bỏ xa các quỹ mở khác trên thị trường về mặt quy mô nhờ tận dụng tốt lợi thế kênh phân phối của ngân hàng mẹ. Khoảng cách này tiếp tục được gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, khi quy mô quỹ TCBF đã đạt trên 1.633 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2017, khối ngoại dành sự quan tâm cao tới các sản phẩm quỹ mở. Tỷ trọng của khối ngoại tại các quỹ trái phiếu và cân bằng MBBF là 84,13%, ENF là 77,77%, VFMVF1 là 74,8%, VFMVFB là 70,53. Tỷ trọng vốn ngoại tại các quỹ đầu tư cổ phiếu dù thấp hơn, nhưng vẫn ở mức cao, như VFMVF4 là 48,4% và MAFEQI là 40,8%.
Có thể thấy rằng, kết quả này không chỉ đến từ hiệu quả đầu tư của các quỹ, mà còn từ sự hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư đang kỳ vọng có nhiều sản phẩm tài chính mới để đa dạng hóa kênh đầu tư. Sự hoàn thiện của thị trường chứng khoán hứa hẹn sẽ tạo dư địa phát triển rộng lớn cho các quỹ mở nội địa, các nhà đầu tư tổ chức với vai trò là những nhà đầu tư dẫn dắt thị trường.
Cơ hội rộng mở cho các công ty quản lý quỹ
Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 5,73%, thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch đề ra của Chính phủ, nhưng các yếu tố vĩ mô đều ở trạng thái ổn định, lạm phát đang được duy trì ở mức vừa phải (dưới 5%), các cân đối vĩ mô khác như thâm hụt ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán đều nằm trong trạng thái có thể kiểm soát.
Mặt bằng lạm phát ở mức thấp và được kiểm soát chặt chẽ là điều kiện tốt để Chính phủ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, qua đó vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn vừa tạo ra những cơ hội mới cho thị trường tài chính nói chung. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tài chính cao cấp như các sản phẩm phái sinh chuẩn bị được đưa vào triển khai trong nửa cuối năm 2017 sẽ giúp thị trường có thêm những công cụ đầu tư linh hoạt và hiệu quả.
Theo nhận định của một số chuyên gia đầu tư, trong nửa cuối năm 2017, trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô ổn định như vừa qua, thị trường tài chính nói chung sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mới, thu hút được thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động cổ phần hóa – tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ hơn. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các công ty quản lý quỹ, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của các quỹ mở, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia.