|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng thế nào khi người cần vốn thì khó vay, người được vay lại không cần?

14:42 | 11/03/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, mặc dù các ngân hàng đang nỗ lực hạ lãi suất cho vay song nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do tình hình tài chính đã doanh nghiệp bị bào mòn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện thì lại không muốn vay vốn do triển vọng đầu tư không quá sáng.

Ngân hàng "ế vốn" nhưng doanh nghiệp lại khó vay là tình trạng đã diễn ra nhiều tháng qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tăng rất chậm trong phần lớn thời gian của năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự kiến trong tuần này Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi công điện tới NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đồng thời tiếp tục giảm năm 2024. Công điện nêu rõ, mặt bằng bằng lãi suất cho vay đã giảm, nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt lãi suất huy động, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến hết 16/2, tăng trưởng tín dụng âm 1%. Đây cũng là lần thứ ba tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm nay, trước đó tăng trưởng tín dụng âm chỉ xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm trong các tháng đầu năm là do sự mở rộng tín dụng quá nhanh với các khoản vay ngắn hạn vào cuối năm trước.

Đầu tháng 12/2023 tín dụng tăng trưởng tín dụng chưa tới 10% nhưng cuối tháng đã tăng lên trên 13%. Việc tăng trưởng gần 4% trong một tháng phần nhiều do yếu tố chủ quan nên có thể tiên liệu việc dư nợ sẽ giảm trong quý I là điều đương nhiên. 

Tăng trưởng tín dụng âm phần nhiều do yếu tố kỹ thuật song không thể phủ nhận bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp. Theo báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), sau hai năm COVID-19 và hai năm đối diện với những bất ổn toàn cầu, sức khoẻ của doanh nghiệp bị bào mòn bởi những khó về đơn hàng, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính, nguy cơ hình sự hóa...

Tình hình tài chính của doanh nghiệp bị bào mòn trong giai đoạn COVID-19, sau đó lại gặp liên tiếp các cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng cao trong khi nhu cầu sụt giảm không có đơn hàng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào nợ xấu, không đủ điều kiện để tiếp tục vay nên tiếp cận tín dụng không hề đơn giản.

Hạ lãi suất, doanh nghiệp vẫn không vay được

Chia sẻ trên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng yêu cầu của Chính phủ về giảm lãi vay là đúng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn là đúng. Song vấn đề đặt ra là phải xác định được doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn là những doanh nghiệp nào, vay vốn để làm gì, có đủ điều kiện vay vốn hay không.

Hiện nay, doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng thừa vốn, lãi suất rất thấp nhưng ngân hàng không cho vay được. Các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu có nhu cầu đều rất dễ tiếp cận vốn với lãi suất vô cùng thấp song bối cảnh vĩ mô như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn không mạo hiểm mở rộng đầu tư mà chỉ duy trì để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp có nhu cầu vốn, song ngân hàng không dám cho vay. Dù lãi suất có giảm nữa, thì những doanh nghiệp này cũng không thể vay, vì không thể đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Hiện phần lớn doanh nghiệp tư nhân đã suy kiệt sau hai năm COVID-19. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, song sức khỏe tài chính yếu kém, tài sản đảm bảo và đầu ra chưa có, nên ngân hàng không dám cho vay, ông Hùng cho biết.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank. (Ảnh VGP). 

Không cho vay được, không chỉ các doanh nghiệp mà đến cả ngân hàng cũng gặp khó khăn. Chia sẻ tại cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu sáng 3/3, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cũng cho biết bối cảnh quốc tế vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện, nên vốn đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng.

"Tại Agribank, hiện nay đang huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng, thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank giảm gần 1.200 tỷ đồng so cùng kỳ 2023", Chủ tịch HĐTV Agribank nói.

Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng giai đoạn 2020 đến nay. (Nguồn: MBS).

Theo báo cáo từ Công ty MBS, xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất của đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì. Mức lãi suất bình quân của nhóm ngân hàng quốc doanh hiện vẫn đang là 4,7% cho kỳ hạn 12 tháng, và thậm chí một số ngân hàng tư nhân còn có lãi suất huy động thấp hơn.

Các chuyên gia từ MBS nhận định lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.

Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 – 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay. MBS dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13 – 14%.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, áp lực tăng lên lãi suất không lớn do chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ hầu như đã chấm dứt. Với dự báo lãi suất điều hành của Fed sẽ hạ xuống mức xấp xỉ 4% cuối năm 2024, áp lực lên tỷ giá không lớn, NHNN sẽ có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại.

"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024", các chuyên gia MBS dự báo.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.