Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc sự phục hồi của ngành ngân hàng
Để giảm nhẹ chi phí tài chính, đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế, không thể không đẩy nhanh tiến trình xử lý các yếu kém của ngân hàng và các ngân hàng yếu kém. Ảnh: Mai Lương |
Hệ thống tài chính Việt Nam đến nay vẫn phụ thuộc nặng nề vào khu vực ngân hàng, chính vì vậy những yếu kém của khu vực này một khi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm sẽ là điểm nghẽn lớn khiến cho tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu kỳ vọng, kéo theo đó là việc làm, thu nhập và phúc lợi của người dân khó được cải thiện.
Cách ly để tránh lây nhiễm
Một số biện pháp tái cấu trúc ngân hàng đã được áp dụng, bao gồm tự tái cấu trúc, sáp nhập hay hợp nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng.
Một số ngân hàng yếu kém được sáp nhập hay hợp nhất với nhau dựa trên triết lý “khoanh vùng” và quy về một mối để dễ quản lý và giám sát. Biện pháp này không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả, đặc biệt trong môi trường chất lượng thể chế kém, các chuẩn mực quản trị và giám sát ngân hàng không đầy đủ và thường có ngoại lệ, khiến cho rủi ro hệ thống càng tăng cao.
Việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém vào ngân hàng khỏe mạnh hơn được thực hiện với ý định tận dụng được năng lực tài chính và trình độ quản trị tốt của các ngân hàng khỏe mạnh nhưng đáng tiếc hiện thiếu những đánh giá đầy đủ về chiều hướng ngược lại, tức là những mối nguy tiềm ẩn mà ngân hàng yếu kém có thể gây ra cho ngân hàng khỏe mạnh. Nhiều người có lẽ đã quên một đặc tính phổ quát của các căn bệnh ngân hàng, đó là sự lây nhiễm. Thay vì cách ly các ngân hàng yếu kém ra khỏi các ngân hàng khỏe mạnh, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém vào ngân hàng khỏe mạnh khiến cho các ngân hàng khỏe mạnh lại vướng thêm vào các khó khăn tài chính, vốn đã rất khó cứu vãn, của ngân hàng yếu kém.
Tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm, thu nhập và phúc lợi của người dân đang trông chờ vào sự phục hồi của ngành ngân hàng chứ không phải ngược lại theo cái triết lý mua thời gian để tái cấu trúc, chờ kinh tế phục hồi để tái cấu trúc ngân hàng.Box phải
Ngoài các biện pháp sáp nhập và hợp nhất, NHNN cũng mua lại ba ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng (Oceanbank, VNCB và GP Bank), đặt một ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt, và tiếp quản tư cách sở hữu của một số cổ đông lớn của một ngân hàng. Việc tiếp quản tư cách sở hữu của một số cổ đông lớn của ngân hàng trên danh nghĩa không phải là kiểm soát đặc biệt nhưng có thể xem đó là một dạng bán kiểm soát đặc biệt. Cách làm này chỉ tạm thời ngăn ngừa ngân hàng khỏi bị mất niềm tin của người gửi tiền nhờ được bảo đảm bằng chính cái tên NHNN. Nó có thể ngăn chặn tạm thời tình trạng có thể xấu hơn của ngân hàng nhưng để ngân hàng có thể tái cấu trúc thành công và trở nên vững mạnh về mặt tài chính và quản trị tốt là vấn đề khác nữa.
Nhưng chúng ta không nên quên rằng bất kỳ cái gì cũng có cái giá của nó và thời gian cũng vậy. Thời gian luôn có chi phí cơ hội. Dùng thời gian mua sự phục hồi ngân hàng cũng có nghĩa là kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó, mua thời gian thực chất là chờ đợi nền kinh tế phục hồi nhưng sự phục hồi của nền kinh tế lại đang trông chờ vào sự hồi phục của khu vực ngân hàng. Rõ ràng cần phải có một lối thoát để bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này càng sớm càng tốt.
Trong khi không có một dòng tiền sạch nào được bơm vào để tái cấp vốn và phục hồi năng lực tài chính cho ngân hàng, lợi nhuận có lẽ là dòng tiền duy nhất mà các ngân hàng dựa vào. Dùng lợi nhuận, chẳng hạn như cách mà nợ xấu đang được xử lý qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện nay, xét đến cùng thực ra là đang lấy đi phúc lợi của nền kinh tế. Những người đang đi vay với lãi suất cao hiện nay đang trả chi phí cho những yếu kém của ngân hàng. Chi phí vốn cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Người dân, thông qua mức giá mà họ trả cho các sản phẩm tiêu dùng, đang phải trả chi phí cho những yếu kém của ngân hàng. Kết cục là doanh nghiệp thì bị suy yếu năng lực cạnh tranh, còn người tiêu dùng thì khả năng chi trả bị suy giảm. Các thống kê về tăng trưởng sức cầu của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc tế của khu vực doanh nghiệp những năm qua đã chứng minh điều này.
Như vậy, nói ngân sách nhà nước không phải bỏ tiền để giải cứu ngân hàng, tức không dùng tiền thuế của dân, nhưng thực chất thì người dân cũng phải trả tiền theo một cách khác mà thôi.
Nguy cơ rủi ro đạo đức
Để giảm nhẹ chi phí tài chính, đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế, không thể không đẩy nhanh tiến trình xử lý các yếu kém của ngân hàng và các ngân hàng yếu kém.
Từ thực tiễn cho thấy, NHNN đang thiếu ba cái “lực” để có thể giúp các ngân hàng tái cơ cấu thành công. Thứ nhất, NHNN không có nguồn lực để tái cấp đủ vốn, bổ sung và tăng vốn, xử lý các yếu kém và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng. Về năng lực quản trị, trong một số trường hợp, NHNN đã “ký gửi” việc quản trị điều hành những ngân hàng yếu kém này cho những ngân hàng lớn khác. Thứ hai, NHNN không có động lực đủ mạnh để tái cơ cấu thành công, đưa ngân hàng trở nên vững mạnh. NHNN không phải bỏ tiền, các đại điện NHNN tại ngân hàng cũng không phải bỏ tiền túi của họ là lý do chính làm suy yếu động lực của việc tái cơ cấu. NHNN cũng như các đại diện của mình tại ngân hàng chỉ có nhiệm vụ kiểm soát để ngân hàng không xấu đi nhưng vực dậy một ngân hàng và biến nó trở nên vững mạnh đòi hỏi phải có khả năng và động lực lớn hơn nhiều. Thứ ba, NHNN không có áp lực phải tái cơ cấu nhanh để giảm chi phí cho nền kinh tế. Không có một deadline (“hạn chót”) nào được thiết lập, không có một phí tổn kinh tế nào được định giá khiến cho NHNN và các đại diện của họ không chịu áp lực phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu và giảm thiểu chi phí phục hồi cho nền kinh tế.
Vấn đề rủi ro đạo đức (moral hazard) và ủy quyền - thừa hành (principal - agent) cũng nảy sinh giữa NHNN với các đại diện được ủy quyền của họ tại ngân hàng khiến cho việc tái cơ cấu luôn có nguy cơ bị lệch pha so với mục tiêu và kết quả mong muốn. Tình trạng thông tin bất cân xứng khiến cho mục tiêu, động cơ và lợi ích của NHNN với các đại diện của họ tại ngân hàng không nhất thiết giống nhau. Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng của nhiều nước cho thấy, các đại diện này thường là trở ngại khiến cho việc tái cấu trúc khó diễn ra nhanh hơn. Lý do thận trọng thường được dùng để biện hộ cho việc kéo dài thời gian tái cấu trúc mà qua đó giúp họ duy trì thêm các đặc quyền, đặc lợi nhờ kéo dài thời gian đại diện của họ tại ngân hàng. Không có cơ chế khuyến khích hợp lý, chẳng hạn như lương, thưởng không dựa trên hiệu quả và sự thành công của tái cấu trúc.
Điều chỉnh lại con đường tái cấu trúc
Những trở ngại trên đây buộc NHNN phải điều chỉnh lại con đường tái cấu trúc mà mình đang đi để có thể đẩy nhanh tiến trình phục hồi, lành mạnh hóa tài chính, sở hữu và quản trị của các ngân hàng, giúp giảm chi phí tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Muốn vậy, NHNN cần phải mở lối, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho sự tham gia của các cổ đông mới có thực lực tài chính, có động lực và áp lực để tái cấu trúc nhanh và hiệu quả hơn. Đó phải là những cổ đông có nguồn tiền sạch để tái phục hồi vốn thực cho ngân hàng; minh bạch về sở hữu, kiên quyết không để phát sinh sở hữu chéo mới hay sở hữu ngầm; có năng lực quản trị tốt để có thể phục hồi và tối đa hóa giá trị danh mục tài sản có; chống lợi ích nhóm, loại bỏ sự thân hữu, khuyến khích tinh thần doanh nhân, công khai minh bạch.
Từ kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng của các nước, có ba bài học quan trọng cần rút ra cho Việt Nam: một là, phải xóa bỏ được nạn trục lợi trong tái cấu trúc ngân hàng; hai là, phải cách ly các ngân hàng bệnh khỏi các ngân hàng khỏe mạnh để tránh lây nhiễm và giảm rủi ro hệ thống; và ba là, tiến trình tái cơ cấu phải được đẩy nhanh như một mệnh lệnh và mục tiêu mà nếu không thì sự chậm trễ được xem là một chỉ báo thất bại.
Tăng trưởng kinh tế quí 1-2017 chỉ đạt 5,1% cho thấy thách thức để đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2017 là không nhỏ. Tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm, thu nhập và phúc lợi của người dân đang trông chờ vào sự phục hồi của ngành ngân hàng chứ không phải ngược lại theo cái triết lý mua thời gian để tái cấu trúc, chờ kinh tế phục hồi để tái cấu trúc ngân hàng.