|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng GDP và CPI đều đã có ước tính, NĐT còn chờ đợi gì trong báo cáo kinh tế công bố ngày mai?

12:45 | 28/12/2022
Chia sẻ
Báo cáo kinh tế năm 2022 sẽ được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày mai với nhiều chỉ số quan trọng để nhà đầu tư đưa ra quyết định giải ngân.

Sáng mai 29/12, Tổng cục Thống kê sẽ công bố báo cáo kinh tế xã hội quý IV và năm 2022. Trước đó cuối tháng 10, tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt 8%, tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng CPI khoảng 4%.

Như vậy hai chỉ số này đều đã có số liệu ước tính. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang rất chờ đợi báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày mai với nhiều chỉ số quan trọng khác như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tăng trưởng xuất khẩu để đưa ra quyết định đầu tư.

 

Trước đó, IIP tháng 11 tăng thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây (tăng 0,3% so với tháng 10 và tăng 5,3% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu do đơn hàng mới sụt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, nguồn cung nguyên vật liệu thiếu hụt ảnh hưởng hoạt động sản xuất công nghiệp. 

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp cho ngành chế biến chế tạo tháng 11chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ (so với mức 5,7% vào tháng 10) 

11 tháng đầu năm, IIP tăng 8,6% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp, chế biến đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số với tốc độ 8,9% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước như đồ uống; sản xuất thuốc, hóa dược; gỗ và chế biến gỗ; trang phục.  

Chỉ số IIP 11 tháng của một số ngành giảm như sản xuất kim loại giảm 2,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%.  

 

 

 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định tốc độ tăng chỉ số IIP chậm lại đã phản ánh phần nào sự suy giảm các đơn đặt hàng mới, dự báo hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục chậm lại trong tháng cuối năm. 

Khối phân tích dự báo tăng trưởng quý IV giảm tốc khi các chỉ báo dự báo sớm như PMI, chỉ số IIP tiếp tục suy yếu. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể gây ra nhiều thách thức trong thời gian tới. 

Một chỉ số khác liên quan đến sản xuất là số liệu xuất nhập khẩu ước tính trong tháng 11 từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kết quả đáng lo ngại. 

 

Xuất khẩu đảo chiều khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ (-8,4%), trong đó, mức sụt giảm mạnh nhất đến từ nhóm điện tử tiêu dùng (-13,9%), dệt may (-6,4%) hay điện thoại di động (-0,7% so với cùng kỳ) và thép (-70%). Tăng trưởng xuất khẩu tới các đối tác chính cũng giảm đáng kể như Mỹ (-12,4%) hay EU (-2,8%).

Nhập khẩu hạ nhiệt (-7,3% so với cùng kỳ) cũng là yếu tố đáng lo ngại, cho thấy việc cắt giảm nhập khẩu các mặt hàng trung gian do đơn hàng xuất khẩu yếu đi.

Các chuyên gia của SSI Research nhận định với những dấu hiệu trên, khả năng để xuất khẩu có thể đảo chiều tăng trưởng trong tháng 12 là khá thấp, đặc biệt đặt trong bối cảnh mức nền cao vào cuối năm ngoái. 

 

Dự báo về lĩnh vực này trong thời gian tới, các chuyên gia của VNDirect cho rằng việc mở cửa trở lại và nhu cầu nội địa phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc khó có thể bù đắp được nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại Mỹ và châu Âu trong năm 2023.

Do đó, VNDirect cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023 và dự báo giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 9-10% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng dự báo của năm 2022 là 14%.

Về lạm phát, nhiều tổ chức gần đây cảnh báo cần theo dõi lạm phát lõi (không gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý). Các chuyên gia của Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng tình trạng lạm phát lõi gia tăng vẫn đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để Việt Nam duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng.

"Trong điều kiện huy động vốn toàn cầu dự kiến vẫn tiếp tục bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài đang yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài", WB khuyến nghị.

Cũng đề cập đến các vấn đề vĩ mô, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023 ngày 27/12, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết mặc dù có khả năng cao là con số lạm phát mà Tổng cục Thống kê công bố ngày mai sẽ dưới 4%, nhưng dấu hiệu từ lạm phát lõi, lạm phát cơ bản là đáng quan ngại.  

"Lạm phát cơ bản tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% so với cùng kỳ nhưng sau đó đã liên tục tăng nhanh, mạnh và cho tới cuối tháng 11 đã tăng 4,8% và chúng tôi dự báo sẽ trên 5% trong cả năm, đây là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây", ông nói. 

 

Ông cho rằng sức ép lạm phát trong năm 2023 là rất lớn và định hướng điều hành chính sách tiền tệ là không thể chủ quan với rủi ro lạm phát. 

Về điều hành chính sách tiền tệ, đại diện NHNN cho hay điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.

NHNN sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, xem xét rất thận trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 nhưng không cứng nhắc. 

Theo ông, mặc dù sức ép tỷ giá đã giảm nhưng không có nghĩa là chủ quan, trong bối cảnh USD còn nhiều biến động và chính sách của Fed có thể thay đổi. NHNN tiếp tục kiên định ổn định thị trường tiền tệ, thông suốt thanh khoản để duy trì tỷ giá ổn định và NHNN có thể tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.  

Anh Đào