|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần đảm bảo lợi ích ba bên

17:26 | 16/10/2024
Chia sẻ
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường khi điều chỉnh thuế TTĐB thì nguyên tắc là phải tăng thu, còn nếu làm giảm thu ngân sách thì sẽ là một vấn đề. Bên cạnh đó, cần đảm bảo lợi ích của cả người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng khi đưa ra các chính sách thuế.

Chia sẻ bên lề Toạ đàm Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng triển vọng và thách thức do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức sáng 16/10, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh nhóm đồ uống có cồn, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá cũng cần cân nhắc kỹ.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có mặt hàng thuốc lá. Theo dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất hai phương án:

Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: Năm 2026 khi Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.

Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần cân nhắc lợi ích của ba bên

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. (Ảnh: TH Quochoi).

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, cả hai phương án mà Bộ Tài chính đưa ra đều có ưu điểm là đã kết hợp cả phương pháp đánh thuế tương đối theo tỷ lệ % với giá, và đợt này đã cho thêm thuế tuyệt đối là thu theo bao.

Điểm tích cực dự thảo luật sẽ không tăng thuế suất theo tỷ lệ % có giá trước đây, mà thu theo bao, điều này sẽ giúp hạn chế được việc mua những sản phẩm rẻ tiền. Bởi các mặt hàng có giá thành thấp cũng phải chịu một cái mức thuế như nhau. Về nguyên lý thì mặc dù thuế tiêu đặc biệt là thuế nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên khi điều chỉnh thuế thì nguyên tắc là phải tăng thu, còn nếu làm giảm thu ngân sách thì sẽ là một vấn đề. 

Một điểm đáng chú ý, những vùng trồng nguyên liệu thuốc lá đã và đang giúp cải thiện sinh kế cho nhiều bà con vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra khoảng 11.000 việc làm trực tiếp. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, thì nhu cầu sản xuất theo đó sẽ giảm đi,kéo theo nguyên liệu đầu vào phải giảm theo.

"Rõ ràng cần phải tính đến tác động của những người nông dân đang sản xuất tại vùng nguyên liệu. Đồng thời phải có phương án để thay đổi, chuyển dịch hoạt động sản xuất, giúp người dân đảm bảo được sinh kế, góp đảm bảo đời sống kinh tế xã hội", đại biểu nói. 

Ở góc độ doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tăng thuế mạnh, sẽ gây sốc cho các doanh nghiệp sản xuất. Điều này sẽ khiến sản xuất giảm đi, và thuế đóng góp sẽ giảm theo. Hoạt động của doanh nghiệp sụt giảm sẽ tác động trực tiếp đến các hộ dân, những người tại vùng trồng nguyên liệu, ảnh hưởng đến sinh kế, an sinh xã hội. 

"Và đặc biệt một cái yếu tố thứ ba nữa là vấn đề rất lớn là thường mà tăng thuế thì bao giờ cũng đi đôi với đó là tăng tỷ lệ thuận, với lại buôn lậu. Cần phải đánh giá xem nếu như tăng thuế như thế thì tỉ trọng buôn lậu có giảm đi không hay tăng lên", đại biểu Cường đặt vấn đề. 

Ngoài ra, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu chỉ đơn thuần dựa vào công cụ kinh tế là tăng thuế để tăng giá, để mà hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì sẽ khó thành công. Bởi lẽ đối tượng dùng thuốc lá hiện nay không phải là người có nhiều tiền mà chủ yếu là những người thu nhập thấp.

Như vậy rõ ràng ở đây không phải là về kinh tế, mà có thể sẽ tác động nhiều vào cái nhóm là cái người nghèo, và tác động ngược là khó tránh khỏi.

"Thuốc lá cũng như là rượu, bia chúng ta nhìn thấy cái tác động để mà hạn chế tiêu dùng ấy nó phải đi kèm theo cái việc là thuế này là những cái biện pháp quản lý hành chính, yếu tố sẽ có tác động rất lớn. Do vậy, tăng thuế cần phải có một lộ trình để chúng ta dùng công cụ thuế đó để gia tăng các hoạt động tuyên truyền về giáo dục và sử dụng các biện pháp hành chính khác đi kèm theo đó", đại biểu Cường nói.

Ngành công nghiệp phụ trợ cũng bị ảnh hưởng 

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. (Ảnh: H.A).

Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam: Khi điều chỉnh thuế TTĐB tăng lên các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây lại là lực lượng đóng góp lớn vào Ngân sách Nhà nước, cũng như có tác động lan toả, đến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm công nghiệp phụ trợ cho nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Đại biểu cho rằng, trong tình hiện nay chưa nên tăng giá thuế tiêu thụ đặc biệt, mà nên để cho doanh nghiệp có thời gian phục hồi và phát triển lại, sau giai đoạn dịch COVID-19, sau những tác động đáng kể từ kinh tế khó khăn ở cả trong và ngoài nước.

Do đó, việc tăng thuế nhanh, đột ngột đều không nên áp dụng tại thời điểm này. Cần có những nghiên cứu cụ thể về mức sống của người dân. Ví dụ như thuốc lá chẳng hạn, rất nhiều hộ dân vùng dân tộc thiểu số tại các vùng trồng nguyên liệu, không thể ngay lập tức bỏ cây trồng, phải tính đến sinh kế của họ, cũng như cho các Doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Đại biểu, mức sống của người lao động trong các ngành chịu sự tác động khi tăng thuế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh và những doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc chuỗi cung ứng đều sẽ chịu ảnh hưởng.Vì vậy cần có thời gian để họ chuyển đổi.

“Bất cứ một chính sách nào đều phải có nghiên cứu, phải có khảo sát tác động về mặt xã hội, về mặt thị trường một cách cụ thể. Còn nếu chỉ đưa ra từ ý chí thì chính sách đó khó có thể phù hợp và hiệu quả", Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho hay.

Việc áp dụng TTĐB đối với thuốc lá cần đảm bảo đạt hiệu quả toàn diện và tránh những hệ lụy có thể lường trước. Vì vậy, cần phải có lộ trình triển khai phù hợp, không nên tăng đột ngột thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá nhằm tránh những tác động tiêu cực.

Hạ An