|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng năng suất thay vì tăng giá thu mua mía

06:36 | 05/10/2016
Chia sẻ
Giá đường thế giới và trong nước có xu hướng tăng, tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại có công văn đề nghị các thành viên không nâng giá thu mua mía của nông dân. Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức.

Xin ông cho biết, vì sao Hiệp hội Mía đường lại có công văn đề nghị các thành viên không nâng giá thu mua mía cho nông dân trong khi giá đường thế giới đang có xu hướng tăng?

Đúng là giá đường thế giới và trong nước có xu hướng tăng. Cụ thể, giá đường thế giới tháng 9/2016, giao kỳ hạn tháng 12 thị trường London đang ở mức xấp xỉ 600 USD/tấn, giá đường trong nước hiện đã tăng khoảng 500 – 700 đ/kg so với đầu tháng 9/2016.

Nguyên nhân là do nguồn cung không đủ cầu, Brazil được mùa nhưng không đủ bù cho các vùng khác bị giảm năng suất do biến đổi khí hậu. Do vậy, các chuyên gia dự đoán thị trường đường thế giới sẽ thiếu khoảng 7 triệu tấn.

Hiện nay, một số nhà máy đường tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ sản xuất 2016/2017. Để đảm bảo ổn định sản xuất, hài hòa lợi ích giữ người trồng mía và nhà máy, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có công văn yêu cầu các thành viên triển khai Nghị quyết số 61/2016/NQ-HH ngày 6/9/2016 của Hiệp hội.

Theo đó, cần triển khai ký hợp đồng mua hết mía cho nông dân, chốt giá mía cho nông dân, mua theo trữ đường và không được tranh mua tranh bán… Đồng thời, các nhà máy đường không tự nâng giá mía khi chưa có sự thống nhất giữa các thành viên trong chi hội phá vỡ giá mua mía đã thống nhất trong vùng.

Nhà máy đường nếu có chủ trương hỗ trợ thêm cho người trồng mía thì áp dụng các chính sách ngoài giá như: hỗ trợ vận chuyển, phân bón, vật tư… Giá mía đang chiếm 70- 80% giá thành, việc nâng giá mía, tranh mua tranh bán sẽ ảnh hưởng đến thị trường.

Quan điểm của Hiệp hội là các nhà máy có giải pháp để nâng năng suất mía và nâng trữ đường mía, từ đó tăng doanh thu trên một đơn vị diện tích cho nông dân. Một số Công ty như: Thành Thành Công, đường Quảng Ngãi, đường Lam Sơn… đang tập trung đầu tư từ khâu giống cho đến chăm sóc, thu hoạch đã nâng được năng suất lên 70-80 tấn/ha. Như vậy sẽ có lợi cho nông dân hơn là tăng giá lên khoảng 100 đồng/tấn nhưng năng suất chỉ 65 tấn/ha.

tang nang suat thay vi tang gia thu mua mia
Nông dân chăm sóc mía trên cánh đồng mía mẫu lớn. Ảnh: Văn Thông/TTXVN.

Tuy nhiên, nếu giá đường thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh do nguồn cung được dự báo thiếu hụt, Hiệp hội có tính tới việc tăng giá thu mua mía cho người nông dân không thưa ông?

Trong tháng 10 hoặc tháng 11, Hiệp hội Mía đường sẽ họp lại với các nhà máy thành viên để điều chỉnh giá thu mua mía, không đẩy thiệt hại về phía người nông dân, vì nông dân mới là thành phần quyết định đến giá mía đường. Các thành viên trong Hiệp hội cũng đồng ý là không để người nông dân bị thiệt.

Phải hài hòa lợi ích giữa người nông dân, doanh nghiệp mía đường và người tiêu dùng thì mía đường mới có thể phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có một giải pháp căn bản và bền vững cho ngành mía đường, đó là tái cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, trữ đường trên một đơn vị diện tích.

Năm ngoái, có tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất đường “găm hàng” chờ giá lên, gây mất ổn định trên thị trường. Vậy năm nay, Hiệp hội sẽ làm gì để ổn định thị trường, không gây ra các biến động lớn?

Rút kinh nghiệm năm ngoái, khi giá đường tăng, nhiều nhà máy đường đã ghim hàng, buộc Nhà nước phải cho nhập khẩu đường. Năm nay, trong công văn gửi các thành viên, Hiệp hội cũng yêu cầu các nhà máy đường có kế hoạch bán hàng linh hoạt, phù hợp về số lượng và giá bán; không tạo tâm lý khan hiếm hàng, đột biến về giá, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá.

Để các doanh nghiệp trong nước chủ động kế hoạch nhập khẩu và kế hoạch sản xuất, Hiệp hội sẽ có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tổ chức đấu giá hạn ngạch trong quý 1/2017. Bên cạnh đó, kiến nghị không nhập khẩu đường tinh luyện và nhập khẩu hoàn toàn đường thô. Vì trong nước có khoảng 10 nhà máy sản xuất đường tinh luyện và đường thô.

Các nhà máy chỉ sản xuất khoảng 150 ngày/năm. Việc nhập khẩu đường thô sẽ tạo thêm vệc làm cho người lao động, thu nhập của nhà máy. Ngoài ra, việc chuyển từ nhập khẩu đường trắng sang đường thô sẽ tiết tiết kiệm khoảng 100- 120 USD/tấn do chênh lệnh về giá, tương đương 4,5 – 5,4 triệu USD (45.000 tấn). Mặt khác, Nhà nước còn thu được thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường nhập khẩu đường thô về tinh luyện.

Theo H.V