|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chốt qui định hạn mức giao dịch ví điện tử cá nhân 100 triệu đồng/tháng từ 7/1/2020

19:45 | 29/11/2019
Chia sẻ
Tổng hạn mức giao dịch qua ví điện tử cá nhân của một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử sẽ được qui định tối đa là 100 triệu đồng/tháng thay vì mức 20 triệu đồng/ngày được đề xuất trong dự thảo trước đó.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 23 sửa đổi Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Thông tư có hiệu lực từ 7/1/2020.

Theo đó, việc nạp tiền vào ví phải qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng hoặc nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng.

Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân, bao gồm cả thanh toán và chuyển cho ví khác, không quá 100 triệu đồng trong một tháng.

Thông tư mới cũng bỏ hạn mức giao dịch với ví điện tử dành cho tổ chức, trước đó hạn mức trong dự thảo tối đa không quá 100 triệu mỗi ngày và 500 triệu đồng mỗi tháng.

Đồng thời, không áp dụng đối với ví điện tử cá nhân của người có kí hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Khi khách hàng mở ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở ví điện tử của khách hàng là đầy đủ, hợp lệ theo qui định.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho NHNN về áo cáo tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán định kì, hàng quí, năm.

Đồng thời, tổ chức này phải cung cấp thông tin tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kí kết hợp đồng/thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với ngân hàng hợp tác, mở và sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử.

Báo cáo tình hình rủi ro gian lận, giả mạo qua địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện các vụ việc liên quan đến rủi ro gian lận, giả mạo gây thiệt hại về tài chính cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán và gửi báo cáo bằng văn bản (giấy) hoặc điện tử trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi có báo cáo qua thư điện tử cho NHNN.

Ben cạnh đó, Tổ chức cung ứng dịch vụ được yêu cầu không cấp tín dụng cho khách hàng, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kì hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví so với giá trị tiền khách hàng nạp.

NHNN yêu cầu các đơn vị phải có công cụ cho phép nhà điều hành giám sát tổng số ví, số dư ví của tất cả khách hàng vào đầu ngày giao dịch và tại thời điểm truy cập.

Ngoài ra, NHNN cũng muốn giám sát thông tin tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các ngân hàng, bao gồm số hiệu tài khoản, số dư đầu ngày giao dịch và số dư vào cuối ngày giao dịch.

Thu Hoài

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.