|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng giá hơn 20% từ đầu năm, cổ phiếu MBB đang 'chần chừ' trước ngưỡng kháng cự

13:30 | 23/08/2019
Chia sẻ
MBB là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm với xu hướng tăng điểm kéo dài từ đầu năm với nhiều tin tức khả quan. Tuy nhiên, hiện tại giá cổ phiếu đang chững lại trước ngưỡng kháng cự tại 22.700 đồng/cp.

Cổ phiếu MBB tăng trưởng mạnh từ đầu năm

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là mã cổ phiếu ngân hàng gây được ấn tượng mạnh trong thời gian qua với xu hướng tăng giá từ đầu năm. 

Tính từ đầu năm đến hiện tại thị giá cổ phiếu MBB đã tăng hơn 20% từ mức thấp nhất là 18.800 đồng/cp vào ngày 3/1. Giá trị vốn hoá của MBBank cũng tăng 14% lên hơn 47.600 tỉ đồng.

Quan sát diễn biến cổ phiếu có thể nhận thấy, đường giá đang dao động sát ngưỡng kháng cự trên tại 22.700 đồng/cp, mức đỉnh hình thành vào ngày 23/7 và cũng là mức giá cao nhất trong năm 2019 của MBB. 

Trong phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu MBB đã có lúc chạm gần mức đỉnh cao nhất của năm 2019 tại 22.700 đồng/cp.

Từ giữa tháng 7 cho tới nay, MBB đã nhiều tuần dẫn đầu về khối lượng giao dịch trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên liên tiếp gần nhất của MBB là gần 3,7 triệu cổ phiếu/phiên, nằm ở mức cao so với các cổ phiếu ngân hàng khác.

Screen Shot 2019-08-23 at 12

Diễn biến cổ phiếu MBB trong một năm trở lại đây. (Nguồn: VnDirect)

Năm 2018, hoạt động kinh doanh của MBBank có nhiều khởi sắc với tăng trưởng mạnh lợi nhuận trước thuế, đạt hơn 7.767 tỉ đồng, tăng 68% so với năm 2017. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ đạt hơn 7.000 tỉ đồng, tăng 31%. 

Tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2018 cũng ở mức khá cao 16,6% với 214.686 tỉ đồng.

Ngay từ đầu năm 2019, MBBank lên kế hoạch mua lại hơn 108 triệu cổ phiếu MBB để làm cổ phiếu quĩ với mục đích công bố là tối ưu hoá giá trị dài hạn cho cổ đông. Trước đó, ngân hàng không sở hữu cổ phiếu quĩ nào.

Có lẽ đây là một thông tin tốt đối với biến động giá cổ phiếu MBB khi ngay sau đó cổ phiếu này đã có một đoạn tăng giá mạnh mẽ với khối lượng giao dịch cao. 

Vào cuối tháng 2, MBBank công bố đã đã mua được gần 47 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 108 triệu cổ phiếu đăng kí mua, tức hoàn thành 43,6% kế hoạch. Với giá mua bình quân là 21.999 đồng, MBBank đã bỏ ra khoảng 1.035 tỉ đồng để mua số cổ phiếu trên.

Cổ phiếu MBB đã có một đoạn biến động đi ngang và giảm cho đến đầu tháng 6. Ngày 26/6, hơn 71 triệu cổ phiếu MBB được chuyển nhượng qua hình thức thoả thuận, tổng giá trị hơn 1.600 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin về các bên thực hiện giao dịch.

Giao dịch thoả thuận khủng này đã tạo bàn đạp cho giá cổ phiếu tiếp tục tăng trong suốt khoảng thời gian sau đó.

Giữa tháng 7, nhà đầu tư lại tiếp nhận thêm tin tức được tiết lộ bởi Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái của MBBank trên trang Reuters rằng ngân hàng sẽ bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Cụ thể, MBBank sẽ phát hành khoảng 123 triệu cổ phiếu mới và sử dụng 38,9 triệu cổ phiếu quĩ để bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ bán cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài và họ không nhất thiết phải là nhà đầu tư chiến lược của chúng tôi", vị CEO này nói với Reuters.

Nửa đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của MBBank đạt 4.875 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kì năm trước, bằng 49,2% kế hoạch cả năm (9.900 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 3.931 tỉ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng cũng tăng ở mức thấp với 4,9% và 3.000 tỉ đồng nợ xấu, đưa tỉ lệ nợ xấu giảm về 1,26%. MBBank cũng không còn nắm giữ trái phiếu VAMC nào.

Ai đang sở hữu nhiều cổ phiếu MBBank nhất?

Tính đến cuối quí I/2019, 4 cổ đông lớn của MBBank nắm giữ gần 40% vốn cổ phần của ngân hàng gồm những gương mặt như Công ty TNHH MTV Tổng Công Ty Tân Cảng Sài Gòn; Công ty Trực thăng Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Tập đoàn công nghiệp Viễn Thông Quân đội (Viettel). 

Trong đó Viettel là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất với hơn 315 triệu cổ phiếu, chiếm 14,94% vốn điều lệ của ngân hàng.

Có thể nhận thấy rằng, mặc dù MBBank không có cổ đông Nhà nước nhưng những cổ đông lớn được nhắc đến trên đều là các tổ chức có vốn đầu tư của Nhà nước.

screen-shot-2019-04-27-at-083942-15563296665331009138939

Danh sách các cổ đông lớn và tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tháng 3/2019 (Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ MBBank).

Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MBBank là 20% với phần lớn là cổ đông tổ chức sở hữu tới 19,9%. MBBank hiện cũng đang khoá room đầu tư nước ngoài tại ngưỡng 20%.

Diệp Bình

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.