Tân tổng thống Pháp Macron và những cải cách kinh tế quan trọng
Emmanuel Macron, một cựu chuyên gia ngân hàng đầu tư bỏ việc trong chính phủ của cựu tổng thống Francois Hollande hai lần bày tỏ thất vọng trước tốc độ chậm chạp của cải cách Pháp, và hứa hẹn sẽ cải tổ thị trường lao động, đơn giản hóa hệ thống thuế và lương hưu, trong khi thay đổi những quy định mà ông cho rằng sẽ cản trở cải cách.
Tuy nhiên, khi ông Macron bước vào điện Elysee sau khi đánh bại ứng cử viên cựu hữu Marine Le Pen thì cựu bộ trưởng Kinh tế 39 tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại khó khăn.
Ông Macron sẽ phải nỗ lực thúc đẩy thông qua chương trình cải cách của mình ở thời điểm mà nước Pháp chia rẽ hơn bao giờ hết về phản ứng trước những lực lượng chống đối, phá hoạt toàn cầu hóa.
Chiến dịch bầu cử cho thấy gần một nửa nước Pháp muốn một nền kinh tế chỉ huy, trong đó vai trò của nước Pháp tăng lên chứ không phải giảm đi như những gì mà Macron đề xuất.
Để có cơ hội thực thi những kế hoạch của mình, ông Macron sẽ phải giành được sự ủng hộ của quốc hội. Điều còn phụ thuộc vào việc liệu đảng mới của ông, En Marche!, có kết quả như thế nào trong cuộc bầu cử quốc hội tháng sau.
Thậm chí nếu ông Macron không giành được đa số ghế, có thể rất nhiều những cải cách của ông Macron sẽ tốn nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để mang lại kết quả.
Những sự trì hoãn có thể khiến ông Macron và chính phủ của mình rơi vào tình trạng khó khăn tương tự như ông Gerhard Schroeder, vị thủ tướng chịu trách nhiệm về chương trình cải cách nước Đức gặp phải và đã buộc phải rời bỏ vị trí chục năm trước.
Chương trình kinh tế của ông Macron đưa ra nhiều biện pháp mà các cố vấn của ông cho rằng phù hợp hơn để giải quyết gốc rễ của những vấn đề trong nền kinh tế Pháp. Rất nhiều chuyên gia kinh tế độc lập đồng ý với nó.
Ông Macron sẽ không loại bỏ tuần làm việc 35 giờ, như đối thủ Francois Fillon đã hứa. Thay vào đó, ông có kế hoạch cho phép các doanh nghiệp đàm phán giờ làm việc với nhân viên của họ và trả lương. Ông Macron cũng ra tín hiệu cho thấy rằng ông có thể nhanh chóng thông qua cải cách lao động trước quốc hội bằn một sắc lệnh.
Về lương hưu, ông Macron không có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lên 62. Thay vào đó, ông muốn thống nhất mạng lưới kế hoạch chi trả lương hưu theo thời gian gây tranh cãi của Pháp bằng cách chuyển sang hệ thống điểm theo kiểu Thụy Điển. Theo đó, việc chi trả gắn liền với mức đóng góp của một người trong suốt cuộc đời làm việc của họ.
Cách tiếp cận nhằm giảm quy mô của nhà nước Pháp cũng được tính toán. Ông muốn tiết kiệm khoảng 60 tỷ euro trong 5 năm thay vì 100 tỷ trong kế hoạch của ông Fillon. Việc cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống 25% sẽ được thực hiện dần dần.
Sylvie Goulard, một thành viên của nghị viện châu Âu đã cố vấn cho ông Macron trong chiến dịch tranh cử, đã ví cách tiếp cận vấn đề của ông Macron giống như ai đó tập thể thao nửa giờ mỗi ngày.
Theo bà Goulard, "nó sẽ không có vẻ là nhiều, nhưng nếu bạn tuân thủ nó, nếu bạn làm nó đúng cách, thì sẽ được đền đáp. Và nó tốt hơn cả việc chạy marathon".
Cách tiếp cận dần dần của ông Macron có thể làm giảm rủi ro về những cuộc biểu tình đường phố mang tính chính trị - tai họa đối với nhiều tổng thống Pháp.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng khiến ông Macron dễ bị chỉ trích bởi những người bảo thủ tin rằng kinh tế Pháp cần một cải cách mạnh mẽ hơn sau cả thập kỷ mất mát.
Cựu tổng thống Hollande đã mất hai năm đầu nhậm chức để làm hài lòng những người thuộc phe xã hội bảo thủ trong đảng của mình với những bước đi mang tính biểu tượng như đánh thuế tài sản, trước khi chuyển sang chương trình cải cách thân thiện hơn với doanh nghiệp được thực hiện bởi ông Macron và cựu thủ tướng Manuel Valls.
Người tiền nhiệm của ông Hollande, Nicolas Sarkzy thì xoay sở để tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng chẳng làm được nhiều trước khi chìm trong khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng khu vực đồng euro. Trước đó, các cuộc biểu tình đường phố những năm 90 đã khiến tổng thống Jacques Chirac phải từ bỏ các kế hoạch cải cách của mình.
Phần của ông Macron giờ khó khăn hơn nhiều. Nếu ông Macron thất bại với chương trình nghị sự đã kêu gọi người Pháp ủng hộ toàn cầu hóa và EU, ông Macron có thể sẽ đối mặt với những thách thức tới từ đảng Mặt trận Dân tộc cựu hữu của bà Le Pen trong 5 năm tới.
Nếu không đạt được các kết quả kinh tế nhanh chóng, ông Macron cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện lời hứa quan trong khác của mình: thuyết phục Đức đồng ý với quan điểm rằng châu Âu sẽ được lợi hơn khi khu vực đồng tiền chung euro hội nhập gần hơn nữa.
Dù sao, ông Macron cũng hưởng lợi nhờ kinh tế Pháp đang cải thiện, với niềm tin tiêu dùng cao nhất trong một thập kỷ, còn niềm tin doanh nghiệp thì gần cao nhất 6 năm. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao gần 10%, nền kinh tế Pháp đã đang tạo ra việc làm với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ. Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn trong bối cảnh công đoàn Pháp cũng khiến ông Macron dễ dàng thực hiện các cải cách trong thị trường lao động. Lần đầu tiên trong lịch sử, những nhà cải cách chiếm đa số trong công đoàn Pháp, điều này sẽ giúp các cuộc đàm phán dễ dàng và hiệu quả hơn.