|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tân thủ tướng Pháp không là thành viên của phong trào Tiến bước

12:13 | 16/05/2017
Chia sẻ
Mặc dù không thuộc phong trào Tiến bước, tân thủ tướng Pháp Edouard Philippe được cho sẽ là nhân tố giúp gắn kết các đảng chính trong chính phủ Pháp, giúp củng cố chính quyền của ông Macron trong cuộc bầu cử vào Quốc hội sắp tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức bổ nhiệm ông Edouard Philippe là tân thủ tướng của Pháp vào ngày 15/5.

tan thu tuong phap khong la thanh vien cua dang tien buoc
Tân thủ tướng Pháp, Edouard Philippe. (Nguồn: CNN)

Ông Philippe, thị trưởng thành phố Le Havre (miền Bắc nước Pháp), sẽ thay thế ông Bernard Cazeneuve, cựu thủ tướng dưới thời Tổng thống Francois Hollande. Đây là quyết định bổ nhiệm nội các đầu tiên của tân tổng thống Macron, và có thể là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công trong tương lai của ông.

Trong buổi họp báo sau khi công bố chính thức được đưa ra, ông Philippe khẳng định quan điểm: “Dù thuộc hai đảng phái trái ngược, nhưng chúng ta đều tôn trọng nhau và biết đặt lợi ích chung lên hàng đầu”.

Tân thủ tướng Pháp không phải thành viên của phong trào Tiến bước mà là người của đảng Cộng hòa, người ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Francois Fillon cho đến khi ứng cử viên này bị vướng vào bê bối biển thủ. Ngoài ra, ông cũng rất thân với cựu thủ tướng Alain Juppe (dưới thời tổng thống Jacques Chirac), người ủng hộ ông Macron sau khi ông giành chiến thắng trong vòng một của cuộc bầu cử.

Ông Philippe, 46 tuổi, là thủ tướng trẻ thứ hai của Pháp sau ông Laurent Fabius, người được bổ nhiệm ở nhiệm kỳ 1984 - 1986 khi mới 37 tuổi.

Là một luật sư với kinh nghiệm trong khu vực tư nhân, ông Philippe sinh ra ở Roune và lớn lên trong môi trường có người thân đều là thành viên thuộc phe cánh tả. Lớn lên ông theo đảng Xã hội, rồi chuyển sang Cộng hòa, đảm nhận vị trí đại diện cử tri của tỉnh Seine Maritime (Normand, Pháp) trong Quốc hội từ năm 2012.

Bên cạnh đó, theo CNN, Tổng thống Pháp và tân Thủ tướng khá thân và gặp nhau thường xuyên từ sau khi quen biết trong một bữa tối năm 2011.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp hiện đại, một vị tổng thống bổ nhiệm thủ tướng là thành viên của đảng ngoài mà không bị Quốc hội ép buộc. Lựa chọn này được xem như một trong những nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ từ các thành viên đảng chính trị cánh hữu cho cuộc bầu cử vào Quốc hội trong tháng tới của ông Macron.

“Ông Macron cần thêm người bên cạnh thuộc phe cánh hữu, vì hiện tại, các nhân vật chủ chốt xung quanh ông đều từ phe cánh tả. Ông cần phải thể hiện cho đảng Cộng hòa thấy thiện chí muốn hợp tác, và đây thực sự là dấu hiệu cho thấy chính phủ được hình thành từ hai phe cánh tả và cánh hữu”, bà Emmanuelle Schon Quinlivan, giáo sư của trường đại học chính trị châu Âu (Cork, Ireland) nhận định.

Lyly Cao