Tái thiết nhà thờ Đức Bà: Tỉ phú Pháp chưa chi một xu, người Mỹ đóng góp 90%
Nhà thờ Đức Bà sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng hồi tháng 4. (Ảnh: Bloomberg)
Bloomberg đưa tin, thông qua các quĩ từ thiện Notre Dame, các cá nhân người Mỹ và Pháp mới chính là người đứng sau các khoản quyên góp đầu tiên để thanh toán hóa đơn và chi trả tiền lương cho 150 công nhân làm việc tại nhà thờ kể từ thời điểm vụ cháy ngày 15/4 phá hủy mái và khiến chóp nhà thờ sụp đổ.
Trong tháng 6, họ sẽ bàn giao khoản thanh toán tư nhân đầu tiên cho việc tái thiết nhà thờ, trị giá 3,6 triệu euro (tương đương 4 triệu USD).
Theo một ước tính, khoảng 90% tiền tài trợ đến thời điểm hiện tại là từ các nhà hảo tâm Mỹ.
"Các nhà tài trợ lớn chưa chi tiền. Chưa một xu nào cả", ông Andre Finot, nhân viên phụ trách truyền thông cao cấp tại nhà thờ Đức Bà, cho hay. "Họ muốn biết chính xác tiền sẽ được chi như thế nào và họ phải đồng ý với kế hoạch trước khi giao tiền. Các khoản tài trợ không chỉ được dùng để trả lương cho nhân viên".
Trong vài giờ hoặc vài ngày sau vụ hỏa hoạn, các gia đình và doanh nghiệp thuộc hàng giàu có và quyền lực bậc nhất của nước Pháp đã đua nhau hứa hẹn tài trợ khoảng 1 tỉ USD. Nhiều người lên tiếng chỉ trích rằng họ đang dùng các khoản quyên góp để đánh bóng tên tuổi thay vì bảo tồn di sản của nước Pháp.
Bloomberg đưa tin, ông Francois Pinault đến từ Artemis, công ty mẹ của Kering (sở hữu hai thương hiệu Gucci và Saint Laurent), đã tuyên bố chi 100 triệu euro (112 triệu USD), trong khi ông Patrick Pouyanne, CEO của hãng năng lượng Total, cho biết công ty của ông cũng sẽ chi một khoản tương đương.
Ông Bernard Arnault, CEO của gã khổng lồ xa xỉ phẩm LVMH (sở hữu Louis Vuiton và Dior), cam kết chi 200 triệu euro (224 triệu USD). Quĩ Bettencourt Schueller của tập đoàn L'Oréal cũng hứa chi khoảng 200 triệu euro.
Theo ông Finot, các khoản quyên góp trên vẫn chưa xuất hiện bởi nhà tài trợ đang chần chừ để xem kế hoạch tái thiết nhà thờ tiến triển như thế nào cũng như tranh giành lợi ích từ hợp đồng tài trợ.
Tổ chức Những người bạn của nhà thờ Đức Bà Paris được thành lập vào năm 2017. Ông Michel Picaud, Chủ tịch của tổ chức, ước tính rằng 90% số tiền mà họ nhận được đến từ các nhà tài trợ Mỹ. Ông Picaud cũng vừa trở về sau chuyến đi gây quĩ ở New York.
"Người Mỹ rất hào phòng đối với nhà thờ Đức Bà và họ rất yêu thích di sản của chúng tôi. 6 trong số 11 thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi là cư dân Mỹ", ông Picaud nói.
Phát ngôn viên của Pinault Collection thừa nhận rằng gia đình Pinault chưa trao bất kì khoản tiền nào cho việc phục dựng nhà thờ, và đổ lỗi cho sự chậm trễ trong thủ tục hợp đồng.
"Chúng tôi sẵn sàng trả tiền, miễn là điều kiện nằm trong khuôn khổ hợp đồng", phát ngôn viên Jean-Jacques Aillagon cho biết. Đồng thời, ông Aillagon cho biết gia đình Pinault đã lên kế hoạch thanh toán qua Quĩ Nhà thờ Đức Bà.
Tập đoàn LVMH và gia đình Arnault cho biết trong mộtthông cáo rằng họ đã kí thỏa thuận với Quĩ Nhà thờ Đức Bà và "các khoản thanh toán sẽ được thực hiện khi hoạt động phục dựng nhà thờ có tiến triển".
Total đã cam kết trả 100 triệu euro thông qua Quĩ Di sản. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Ceilia Verot của quĩ này cho hay công ty đa quốc gia trên vẫn chưa trả bất cứ khoản tiền nào.
Quĩ Bettencourt Schueller cũng cho biết, họ chưa chi tiền vì muốn đảm bảo khoản quyên góp của mình được dùng cho các mục đích phù hợp với đặc điểm của quĩ này.