|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao nhà thầu Nhật bất lợi trước Trung Quốc trong dự án đường sắt ở Thái Lan?

22:16 | 20/01/2019
Chia sẻ
Đối với quan chức chính phủ Nhật, mối thân tình ngày một lớn dần giữa Bangkok và Bắc Kinh như một cú sốc, nó phát đi thông điệp rằng tình hình địa chính trị thay đổi.
tai sao nha thau nhat bat loi truoc trung quoc trong du an duong sat o thai lan
Ảnh: Wikipedia

Là đất nước có cộng đồng người Trung Quốc lớn nhất tại Đông Nam Á, ước tính khoảng 9 triệu người, Thái Lan bao nhiêu lâu nay thường có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Bangkok là nơi tập trung một trong số những khu phố người Hoa lớn nhất thế giới.

Theo báo Nikkei, vào năm 2014, Trung Quốc được nhận dự án xây dựng đường sắt cao tốc nối Bangkok với Nong Khai - một thị trấn ở khu vực biên giới với Lào. Tiến độ xây dựng tuyến đường sắt này, tuy nhiên khá chậm. Hoạt động xây dựng 3,5 km đường sắt từ Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc Thái Lan đến Bangkok mãi đến tháng 12/2017 mới được triển khai.

Ban đầu, Nhật muốn nhận dự án này, nhưng Bangkok nghiêng nhiều hơn về Bắc Kinh - vốn bởi Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân sự Thái Lan nhiều hơn. Chính quyền quân sự Thái Lan từng lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Đối với quan chức chính phủ Nhật, mối thân tình ngày một lớn dần giữa Bangkok và Bắc Kinh như một cú sốc, nó phát đi thông điệp rằng tình hình địa chính trị đang thay đổi.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã thay Nhật để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan, Trung Quốc nổi lên trong vai trò nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 vào Thái Lan sau Nhật. Mỗi năm, hơn 10 triệu khách Trung Quốc đến Thái Lan, Trung Quốc trở thành nguồn cung ngoại tệ quan trọng cho Thái Lan - đất nước có nền kinh tế tăng trưởng trì trệ do chính trị không ngừng biến động tiêu cực.

Tuy nhiên, không ít người Thái Lan đã thể hiện sự băn khoăn khi mà Thái Lan phụ thuộc ngày một nhiều vào Trung Quốc.

Cựu thành viên ban điều hành của ngân hàng Bank of Thailand, ông Anusorn Tamjai, nói: “Thái Lan cần có chiến lược nhằm cân bằng giữa đầu tư của các nước khác nhau, tránh phụ thuộc vào riêng một nước nào đó. Nếu chúng ta không còn khả năng cân bằng, chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng quá nhiều từ một bên”.

Giáo sư ngành khoa học chính trị tại đại học Chulalongkorn, ông Surachart Bamrungsuk, khẳng định tuyến đường xe lửa sẽ tác động đến an ninh quốc gia của Thái Lan: “Rõ ràng, tuyến đường sắt cao tốc có thể coi như chuyến tàu chính trị bởi nó nằm trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc để kết nối Đông Nam Á với Trung Quốc”.

Vấn đề ở đây chính là việc liệu chính phủ Thái Lan thời kỳ hậu đảo chính quân sự có cởi mở với nhiều nước khác để các nước này cạnh tranh với Trung Quốc trong đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tại Thái Lan.

Trung Quốc đồng thời cũng đang cố gắng giành được quyền xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối hai sân bay quốc tế chuyên phục vụ cho Bangkok bao gồm sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang với sân bay U-Tapao.

Công ty đường sắt Trung Quốc (China Railway Construction) đang đấu thầu để nhận dự án 7 tỷ USD. Nhiều công ty Nhật khác trong đó bao gồm Hitachi, Itochu và công ty xây dựng Fujita đã quyết định đứng ngoài, với lý do thiếu vốn.

Các công ty Nhật cũng thừa hiểu rằng họ không nhận được hỗ trợ từ chính phủ Thái Lan, chính phủ Thái Lan đã yêu cầu các nhà thầu phải tự giải quyết được vấn đề tài chính thông qua việc xây dựng tuyến đường sắt cũng như dự án bất động sản đi kèm.

Chuyên gia Calder thuộc đại học John Hopkins nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng mối quan hệ thân tình thông qua việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ tạo ra thay đổi căn bản. Những gì họ đang làm chẳng qua là củng cố thêm cho mối quan hệ vốn đã khăng khít suốt 200 năm qua giữa Thái Lan và Trung Quốc. Nhật sẽ bất lợi”.

Xem thêm

Trung Mến

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.