Tại sao chúng ta không thể làm giàu như Bill Gates?
Tài năng, năng lực và chăm chỉ là “cần” nhưng chưa “đủ”
Bill Gates được thụ hưởng nhiều lợi thế hơn chúng ta tưởng. Ông có thể là người rất tài năng, khi từ một sinh viên bỏ học trở thành người giàu nhất thế giới nhiều năm liền, với số tài sản lên đến hàng chục tỉ USD.
Nhưng sự thành công cực kỳ của Gates lại không lệ thuộc nhiều vào tài năng, mà lệ thuộc vào việc được thừa hưởng một số lợi thế và nhất là chọn đúng việc, đúng nơi và đúng thời điểm để khởi nghiệp.
Nói vậy để thấy, những người thành công nhất về tài chính không hẳn là người có tài nhất hoặc có kỹ năng cao nhất, chịu khó nhất. Đây là khái niệm sai lầm mà nhiều người vẫn nghĩ từ trước đến nay.
Dĩ nhiên, bạn không thể thành công nếu không có tài năng, biết chọn đúng hướng đi và đặc biệt là biết tận dụng cơ hội và biết dự báo chính xác những gì thế giới đang cần và sẽ cần trong tương lai gần. “Có tài, có năng lực thì phải giàu là loại tư duy áp đặt và phiến diện mang tính nhân quả lệch lạc”, một nhà nghiên cứu kinh doanh nói.
Thực tế đã chứng minh, những người rất thành công trong kinh doanh đều là những người sinh ra trong môi trường đặc biệt và có những lợi thế mà người khác không có.
Ngoài ra, họ còn là những người may mắn nhất, chọn đúng việc nhất, đúng thời điểm nhất và đúng chỗ để bắt đầu. Họ tách rời khỏi tuyệt đại đa số chúng ta, tách rời khỏi khuôn mẫu làm giàu mà số đông theo đuổi.
Sự khác biệt này khiến họ trở nên xuất chúng và lọt vào hàng ngũ những “Outlier” (người cá biệt) hiếm hoi. Vì họ cá biệt nên chúng ta không thể bắt chước hay sao chép họ.
Rất nhiều người bỏ ngang những trường đại học nổi tiếng để kinh doanh giống như Gates nhưng thất bại nặng nề, dù tài năng, kiến thức và tầm nhìn của họ không thua Gates. Gates và những người cực kỳ thành công như ông có nhiều thứ để chúng ta học hỏi và suy ngẫm, nhưng hy vọng bắt chước ông và cũng giàu như ông là suy nghĩ sai lầm.
Nếu một người có tài, có năng lực tin là mình sẽ đạt được thành công như Gates bằng cách “bắt đầu như Gates”, họ sẽ sớm thất vọng. Dù có là “bản sao” của Gates, bạn cũng không thể trở thành người giàu, nếu không rơi vào đúng thời điểm và vị trí để cơ hội của bạn sẽ lớn nhất.
Xuất thân và môi trường khởi nghiệp phù hợp có vai trò quan trọng
Có nhiều lý do giải thích tại sao chúng ta không thể thành công như Gates dù có tài và… bỏ học đại học. Thứ nhất, Gates không sinh ra trong một gia đình nghèo mà là gia đình thượng lưu. Lợi thế này cho phép ông làm quen với máy tính mà không cần đến trường.
Thống kê lúc đó cho thấy, chỉ có 0,01% tuổi trẻ Mỹ thế hệ ông tiếp cận được với máy tính. Thứ hai, mẹ ông có quan hệ với chủ tịch công ty điện toán IBM nên ông được vào làm việc tại một công ty sản xuất máy tính cá nhân (PC) hàng đầu thế giới, bàn đạp để ông thành lập đế quốc phần mềm Microsoft sau này.
Không có chọn lựa nào khác, đa số khách hàng dùng máy tính của IBM đều buộc phải học cách dùng phần mềm Windows đi kèm với nó.
Điều này đã tạo ra một “quán tính ưa chuộng”: đã dùng PC thì phải dùng phần mềm của Microsoft. Ngay cả khi đã có một phần mềm thay thế khác thì do…lười tìm hiểu, người ta vẫn dùng Windows như một “thói quen”, chứ không phải nó là phần mềm tốt nhất.
Chính tâm lý “ngại đổi mới” này đã giúp Microsoft phát triển. Thành công của Gates có được là nhờ sự kết nối với IBM từ rất sớm thông qua người mẹ. Ưu thế của Microsoft kéo dài đến tận hôm nay và thị phần của nó bao giờ cũng lớn nhất trong các thiết bị để bàn và laptop.
Dĩ nhiên, tài năng của Gates và công sức của ông là không thể phủ nhận trong sự thành công của “hiện tượng” Microsoft nhưng chỉ chừng đó thì không đủ để biến ông thành một “Outlier”” tách biệt khỏi số đông.
Tài năng và quyết tâm không quan trọng bằng xuất thân, may mắn và đúng thời cơ. Gates không thể trở thành người giàu nhất thế giới nếu thiếu các điều kiện này. Người ta có thể lập luận rằng, một người tài nếu biết làm việc chăm chỉ sẽ có lúc giàu có và họ cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng và vinh danh.
Không ai phủ nhận điều này, nhưng trở thành một “Outlier” lại là chuyện khác. Một vận động viên bơi lội không thể đoạt chức vô địch Olympic dù anh ta bỏ ra số giờ tập luyện bằng với nhà vô địch trước ngày người này đoạt Huy chương Vàng Olympic đầu tiên.
Qui luật 10.000 giờ không tạo ra thành công xuất chúng
Nói vậy để thấy, ngay khi cùng hoàn cảnh, thành tích cũng đã khác nhau. Đó là chưa nói đến những lợi thế khác. Gates không xa lạ với PC và lập trình nhờ nhà có điều kiện, trước khi ông quyết định bỏ học và khởi nghiệp.
Sự tiếp cận sớm với công nghệ thông tin (IT) đã đóng góp rất nhiều vào thành công có một không hai của ông. Quan hệ của Gates với IBM thông qua người mẹ là yếu tố quan trọng khác.
Bản thân Gates cũng không hiểu được lý do tại sao ông lại thành công quá nhanh trong lĩnh vực phần mềm. Giải thích hợp lý nhất là ông chọn ngành nghề này đúng nơi đúng lúc. Nhà tâm lý Anders Ericsson đã nghiên cứu và đưa ra qui luật làm việc 10.000 giờ để trở thành một Outlier.
Tác giả Malcolm Gladwell đã phổ biến từ này trong cuốn sách Outliers của ông. Người ta nêu “hiện tượng” tại cùng một cộng đồng có đến 3 nhà vô địch bóng bàn ở Anh để chứng minh cho qui luật này.
Nhưng khi tìm hiểu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra thành tích này có được là nhờ huấn luyện viên bóng bàn nổi tiếng Peter Charters chọn đến sống ở đây sau ngày nghỉ hưu. Số thiếu niên ham mê bóng bàn tăng mạnh là nhờ ông và bóng bàn trở thành môn thể thao “hot”.
Nhưng thực tế cho thấy, bỏ ra 10.000 giờ lập trình máy tính hay trên bàn bóng không đủ bảo đảm thành công ở cả cấp độ trung bình, chứ chưa nói đến cấp độ của Bill Gates hay các vô địch bóng bàn thế giới khác.
Không có xuất thân khá, không có gia đình hỗ trợ, không có huấn luyện viên giỏi hay mối quan hệ tốt với những người ảnh hưởng đến công việc của mình thì rất khó thành công.
Thử tưởng tượng, một thiếu niên có tài năng ưu việt nhưng sinh ra trong một gia đình nghèo, không có người bảo trợ và không có bệ phóng tốt và khởi đi không đúng nơi đúng chỗ thì sẽ thấy giấc mơ trở thành một “Outlier” thật quá xa vời.
Tài năng và làm việc chăm chỉ có thể giúp bạn thành công, nhưng thành công “phi thường” như Gates là cực kỳ hiếm. “Vận may sẽ đến nếu chúng ta có ý chí” cũng chỉ đúng một phần. Vận may cần có cơ hội và nơi, chốn để biến thành hiện thực.
Vận may không thể đến với một tài năng máy tính, nếu anh ta sinh ra ở một đất nước nghèo, trong gia đình nghèo, không thể tiếp cận với một công ty IT nào để làm bệ phóng. Nhiều người trong chúng ta vẫn nuôi giấc mơ làm được như Gates hoặc thiên tài đầu tư chứng khoán Warren Buffett nhưng mơ là một chuyện, thực tế là chuyện khác.