Tài sản tỷ phú Việt trong năm 2024 biến động thế nào?
Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, tính đến ngày 30/12, Việt Nam có 6 tỷ phú và hầu hết các cái tên quen thuộc, gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang.
Đa phần các vị trí đều không có sự thay đổi, ngoài việc vị trí của ông Trần Bá Dương và ông Hồ Hùng Anh có sự hoán đổi cho nhau. Ở thời điểm đầu năm, vị trí thứ 4 thuộc về ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco cùng gia đình với khối tài sản 1,5 tỷ USD và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank đứng sau với 1,4 tỷ USD.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đã vươn lên vị trí thứ 4 với khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD. Tỷ phú Trần Bá Dương xuống một bậc với giá trị tài sản khoảng 1,2 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, giảm khoảng 600 triệu USD với mức 4,7 tỷ USD hồi đầu năm 2024. Hiện ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp nắm giữ hơn 691 triệu cổ phiếu VIC.
Nếu tính tài sản vào số cổ phần sở hữu tại các công ty liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI, khối tài sản của ông Vượng có thể lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, ông cũng đang giữ lượng lớn cổ phiếu của VFS thông qua các công ty riêng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch hãng hàng không VietJet Air đang nắm giữ khối tài sản 2,9 tỷ USD, tăng khoảng 500 triệu USD so với thời điểm đầu năm 2024. Bà Thảo vẫn giữ vị trí người giàu thứ hai Việt Nam trên bảng xếp hạng của Forbes. Người đứng đầu Vietjet Air đang nắm trực tiếp 47,47 triệu cổ phiếu VJC (tương ứng 8,76% vốn) và 108,96 triệu cổ phiếu HDB (tương ứng 3,12% vốn).
Tỷ phú Trần Đình Long của Tập đoàn Hoà Phát cũng tăng nhẹ tài sản khoảng 100 triệu USD so với đầu năm, ghi nhận 2,4 tỷ USD ở thời điểm ngày 30/12/2024. Chủ tịch Trần Đình Long đang là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi đang nắm giữ trực tiếp 1,6 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương hơn 42.700 tỷ đồng.
Về phần tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, vị trí của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan không có nhiều biến động, khối tài sản giữ nguyên ở mức 1 tỷ USD. Ông Quang được công nhận là tỷ phú trong danh sách công bố đầu năm 2019, với tài sản 1,3 tỷ USD. Năm 2023, ông xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới vào đầu năm, nhưng rời danh sách này từ tháng 10/2023, khi giá cổ phiếu Masan giảm hơn 30% từ mức đỉnh.
Bức tranh tài sản của các tỷ phú Việt Nam năm 2024 cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Trong khi một số doanh nhân ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhờ kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu tăng trưởng tốt, những người khác lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể do tác động từ thị trường chứng khoán và các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Phần lớn khối tài sản của các tỷ phú vẫn tập trung vào cổ phiếu của chính doanh nghiệp họ điều hành, phản ánh mức độ gắn kết cao giữa tài sản cá nhân và hiệu quả quản trị doanh nghiệp.