Tài sản của các ngân hàng tư nhân lớn nhất châu Á lên cao kỷ lục
Nguồn: Rosland Rahman/AFP/Getty Images |
Theo báo cáo của Asian Private Banker công bố hôm nay, tài sản do 20 ngân hàng tư nhân lớn nhất khu vực quản lý đã tăng 6,1% lên 1.550 tỷ USD trong năm 2016 so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, tổng tài sản của các ngân hàng giảm 4,7% khi tăng trưởng kinh tế khu vực chậm lại và các quy định tăng sức ép buộc các ngân hàng phải từ chối một số khách hàng.
Số liệu năm 2016 được củng cố bởi việc mua lại chi nhánh quản lý tài sản của Barclays của Bank of Singapore tại Singapore và Hong Kong; vụ mua lại Union Bancaire Privee của Coutts International. Các ngân hàng tư nhân đang tìm cách mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi số người giàu có vượt qua cả Bắc Mỹ lần đầu tiên trong năm 2015, theo báo cáo của Cap Gemini.
Hoạt động sáp nhập và mua lại cùng với tuyển dụng quy mô lớn đã có tác dụng tích cực tới quy mô của một số ngân hàng, biên tập viên Sebastian Enberg của Asian Private Banker trả lời Bloomberg.
Thương vụ với Barclays của Bank of Singapore đã năng tổng tài sản của ngân hàng này lên 79 tỷ USD, tăng 44% trong năm 2016 so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp nâng xếp hạng của ngân hàng thuộc tập đoàn Oversea - Chinese Banking Corp. trong danh sách các ngân hàng tư nhân lớn nhất khu vực từ thứ 11 lên thứ 7. DBS Group Holdings đang đứng ở vị trí thứ 6 và Bank of Singapore là những ngân hàng duy nhất có trụ sở tại châu Á nằm trong danh sách 10 ngân hàng tư nhân lớn nhất này.
Union Bancaire Privee lần đầu tiên lọt vào danh sách 20 ngân hàng với vị trí 20 sau thương vụ mua lại giúp tăng tài sản của ngân hàng này từ 774 triệu USD lên 11,8 tỷ USD.
UBS Group AG duy trì vị trí dẫn đầu với 286,4 tỷ USD tài sản, trong khi Citigroup giữ vị trí thứ hai với 218 tỷ USD tài sản. Sáu vị trí đầu tiên không đổi so với xếp hạng năm 2015, theo Asian Private Banker.