|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tách dần các đơn vị mua, phân phối điện ra khỏi EVN

09:43 | 28/10/2018
Chia sẻ
Sau hơn sáu năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và một năm rưỡi thí điểm bán buôn điện, Bộ Công Thương đang chuẩn bị để vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức kể từ đầu năm 2019.
tach dan cac don vi mua phan phoi dien ra khoi evn EVN bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Nam làm Phó Tổng Giám đốc
tach dan cac don vi mua phan phoi dien ra khoi evn EVN tổn thất điện năng 7,17% trong 9 tháng đầu năm
tach dan cac don vi mua phan phoi dien ra khoi evn
Quá trình thị trường hóa ngành điện sẽ phải tách bạch các khâu phát điện với truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ. Ảnh: THÀNH HOA

Phát điện cạnh tranh - các nhà máy điện năng động hơn

Quyết định 63/2013 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam theo ba giai đoạn: phát điện cạnh tranh (đến hết năm 2014), bán buôn điện cạnh tranh (2015-2016 thí điểm và 2017-2021 vận hành chính thức) và sau năm 2023 là vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Thị trường phát điện cạnh tranh từ khi bắt đầu vận hành đến nay đã phát triển rất nhanh, với 49% công suất đặt toàn hệ thống của các nhà máy điện (trừ các nhà máy điện BOT, các nhà máy điện đa mục tiêu và các nhà máy điện năng lượng tái tạo) tham gia chào giá trên thị trường.

Hiệu quả của việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong hơn sáu năm qua là rất rõ và đó là tiền đề để chuyển sang giai đoạn 2 với thị trường bán buôn cạnh tranh.

Theo đánh giá của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVN NLDC), kể từ khi vận hành vào tháng 7-2012 đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng gấp 2,8 lần về số lượng các nhà sản xuất điện tham gia (87 nhà máy), tổng công suất đặt tăng gần 2,5 lần (22.852 MW), chiếm 49% tổng công suất toàn hệ thống. Ban đầu, giá mua điện cạnh tranh được tính cho 18 chu kỳ (trừ giờ thấp điểm từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau). Nhưng kể từ năm 2016 đến nay, giá mua điện trên thị trường phát điện cạnh tranh đã được tính toán cho 24 chu kỳ (cả ngày).

Việc áp dụng cơ chế phát điện cạnh tranh làm thay đổi phương thức huy động các nguồn điện trong hệ thống, từ tối thiểu hóa chi phí sản xuất điện sang tối thiểu hóa chi phí cho bên mua điện. Nghĩa là, EVN NLDC có thể huy động sản lượng từ các nhà máy sao cho giá hợp lý nhất, dựa trên các bản chào, thay vì 100% sản lượng điện mua theo các hợp đồng ký cho cả đời dự án như trước. Nó cũng phản ánh tính minh bạch, công bằng cho các thành viên tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư mới.

Đánh giá mới đây của Bộ Công Thương khi tổng kết thị trường phát điện cạnh tranh cho thấy, các đơn vị phát điện đã chủ động hơn trong công tác lập lịch, huy động, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động chào giá cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, cho biết khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh công ty chủ động đặt mục tiêu sản lượng cao và lợi nhuận cao trong mùa khô. Còn mùa mưa thì không tập trung về sản lượng mà nâng cao lợi nhuận đồng thời bố trí sửa chữa các tổ máy.

Bán buôn cạnh tranh: Nhiều doanh nghiệp phải tách khỏi EVN

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thử nghiệm đã vận hành từ giữa năm 2016 và dự kiến sẽ kết thúc vào hết năm 2018, trước khi thị trường bán buôn chính thức vận hành. Từ đầu năm đến nay, thị trường thí điểm đã thực hiện thanh toán thật, thay vì tính toán mô phỏng như các giai đoạn trước.

Với thị trường bán buôn cạnh tranh, chỉ các đơn vị phát điện có công suất đặt trên 30 MW mới được tham gia. Trong đó, dự kiến các nhà máy mới như Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng, Thái Bình 1, Duyên Hải 3 mở rộng sẽ tham gia thị trường bán buôn luôn. Việc mua bán này sẽ được thực hiện qua năm tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TPHCM và Hà Nội cũng như tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện tại thị trường bán buôn chưa cho phép các nhà máy điện BOT, nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (ngoại trừ thủy điện), điện tourbin khí có ràng buộc phải sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu khí để đảm bảo lợi ích quốc gia và các nhà máy điện thuộc khu công nghiệp tham gia.

Để có một thị trường bán buôn đúng nghĩa, ngành điện phải tách đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thành những đơn vị độc lập, không có chung lợi ích với các đơn vị tham gia thị trường điện. Các tổng công ty phát điện, các nhà máy điện thuộc EVN (trừ các nhà máy lớn, đa mục tiêu) phải tách thành đơn vị độc lập, không chung lợi ích với bên bán buôn, truyền tải, điều độ và đơn vị điều hành giao dịch.

Nghĩa là quá trình thị trường hóa ngành điện sẽ phải tách bạch các khâu phát điện với truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ. Trừ khâu phân phối điện Nhà nước vẫn giữ độc quyền, các khâu còn lại đều có thể cổ phần hóa, kêu gọi các thành phần đầu tư.

Hiện nay, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ ra khỏi EVN, trở thành công ty TNHH một thành viên. Dự kiến vào tháng 11 Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng phương án thành lập công ty, thực hiện việc vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Khi các doanh nghiệp trực thuộc EVN và hoạt động theo mô hình khép kín đầu vào, đầu ra mua bán, sản xuất điện ngày một giảm dần, thị trường điện có sự cạnh tranh nhiều hơn thì cơ hội cho thị trường bán buôn cạnh tranh đúng nghĩa cũng sẽ phát triển tốt như thị trường phát điện cạnh tranh.

Xem thêm

Lan Nhi

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.