|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

T+2 bị gán ‘tội đồ’ với hiện tượng VN-Index giảm sâu phiên chiều

17:00 | 29/09/2022
Chia sẻ
Lại một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán mạnh trong phiên chiều khiến giới đầu tư cho rằng lượng hàng dồn về trong phiên chiều của ngày T+2 là tác nhân.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một phiên giảm sâu, VN-Index đóng cửa ở 1.126,07 điểm, giảm 1,53% so với phiên giao dịch trước đó. Đây là vùng điểm thấp nhất kể từ phiên giao dịch 9/2/2021. Kể từ vùng đỉnh ngắn hạn quanh 1.290 điểm, VN-Index mất khoảng 164 điểm.

Trong phiên giao dịch hôm nay (29/9), thị trường phần lớn giao dịch trong sắc xanh, có thời điểm VN-Index tăng hơn 12 điểm lên trên 1.150 điểm. Việc chứng khoán Mỹ tăng điểm đêm qua sau 6 phiên giảm liên tiếp trở thành yếu tố hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư.

Tuy vậy lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến chỉ số lùi dần về ngưỡng tham chiếu và giảm sâu sau phiên ATC. Nhóm VN30 là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu hôm nay. Đóng cửa phiên giao dịch nhóm này có 20 mã giảm giá, áp đảo so với 6 mã tăng giá và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Theo quan sát, những mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 có GVR (giảm 5,9%), VIC (5%), BVH (4,5%), STB (3%), CTG (3%). Những mã còn lại giảm giá trên 2% như MSN, POW, SSI, VPB, VPB. Sắc xanh của VNM, VRE, GAS, PDR không đủ gồng đỡ thị trường.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã giảm giá 5 phiên liên tiếp. Hai phiên giao dịch 28 – 29/9, mã này đều mất giá trên 5% và là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Đóng cửa phiên 29/9, mã VIC dừng ở mức giá 54.600 đồng/cp, thấp nhất kể từ đầu năm 2018.

 Nhiều cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 29/9. Nguồn: VNDirect.

Ngoài rổ VN30, loạt cổ phiếu giảm sàn trong phiên hôm nay còn có DXG, VIX, ANV, BCM, CTD, VCG, HHV, PAN, TCH, LCG. Trong đó, nhiều mã đã giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp như VCG, HHV, PAN, CTD, LCG, CTI.

Đà giảm của chứng khoán Việt Nam hôm nay đi ngược xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán lớn khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mức giảm của VN-Index cao hơn so với thị trường Đông Nam Á như Indonesia, trong khi chứng khoán Thái Lan tăng nhẹ.

Một hiện tượng khác được nhà đầu tư quan tâm đó là việc thị trường thường bị bán mạnh vào phiên chiều vào những ngày giao dịch. Kể từ ngày 29/8, VSD chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch từ T+3 xuống T+2. Nhà đầu tư có thể bán chứng khoán trong buổi chiều của phiên giao dịch T+2.

Theo đánh giá ban đầu của giới phân tích, việc rút ngắn thời gian đồng nghĩa nhà đầu tư có thể mua bán sớm hơn, vòng quay tài khoản nhiều hơn. Điều này kỳ vọng tăng thanh khoản của thị trường.

Song, không như dự báo, thanh khoản lại sụt giảm kể từ khi rút ngắn thời gian thanh toán. “T+2” từ chỗ được kỳ vọng trở thành yếu tố khiến nhà đầu tư cho là “tội đồ” của thị trường khi lực bán mạnh thường xuất hiện trong phiên giao dịch buổi chiều.

 Lượng đặt mua, đặt bán cổ phiếu trên sàn HOSE. Nguồn: Lợi Hoàng.

Trên các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán, nhà đầu tư bàn luận sôi nổi khi cho rằng đây là tác nhân chính. Một luận điểm được đưa ra để lý giải rằng, một lượng hàng lớn về tài khoản trong phiên chiều đã gia tăng áp lực bán lên thị trường.

Quan sát diễn biến dần về cuối phiên, bước giá giao dịch của các cổ phiếu thường biến động mạnh, tốc độ khớp lệnh được đẩy lên cao đẩy cục diện thị trường thay đổi nhanh chóng. Lượng đặt bán ra tăng trong khi thiếu vắng lực cầu càng đẩy giá cổ phiếu giảm sâu.

Tuy vậy, nếu nhìn một cách tổng thể, dường như đấy chỉ là một cái cớ để nhà đầu tư “hợp thức hóa” lý do thị trường giảm sâu. Ở điểm hiện tại, thị trường đang đối mặt nhiều hơn các mối lo ngại như áp lực tăng lãi suất, tỷ giá tiền đồng, hết room tín dụng.

Tín hiệu dòng tiền yếu đi khi thanh khoản sàn HOSE suy giảm về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Khối lượng đặt mua và đặt bán cổ phiếu trên sàn HOSE cũng đang ở vùng thấp nhất kể từ đầu tháng 6.

Đơn cử trong phiên 29/9, khối lượng đặt mua và đặt bán cổ phiếu trên sàn HOSE là 669,2 triệu đơn vị và 798,8 triệu đơn vị. Chênh lệch khối lượng đặt bán và đặt mua cao nhất trong 8 phiên trở lại đây.

Trên đồ thị kỹ thuật, khoảng trống giảm giá (gap down) liên tục xuất hiện, trạng thái thị trường mở cửa thường thấp hơn so với đóng cửa phiên liền trước một lần nữa xác nhận về trạng thái tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn này.

Lợi Hoàng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.