|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sức mạnh của đồng USD và triển vọng lãi suất của Mỹ chi phối thị trường vàng

14:30 | 17/06/2023
Chia sẻ
Ngày 16/6, giá vàng thế giới tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD suy yếu, giữa lúc các nhà đầu tư đang "cân đo" triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Ngày 16/6, giá vàng thế giới tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD suy yếu, giữa lúc các nhà đầu tư đang "cân đo" triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Khoảng 1 giờ sáng ngày 17/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.958,83 USD/ounce, nhưng dự kiến giảm 0,1% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ gần như không thay đổi ở mức 1.971,20 USD/ounce.

Trước đó, đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá vàng thế giới trong phiên ngày 15/6. Cụ thể, giá vàng giao tháng 8/2023 tăng 1,80 USD (0,09%) đóng cửa ở mức 1.970,70 USD/ounce.

Việc Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 13-14/6 đã khiến đồng USD lao dốc và hỗ trợ giá vàng. Song đà tăng của giá vàng đã bị hạn chế phần nào khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 15/6 quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm.

Sức ép lạm phát tại Mỹ lắng xuống cũng hỗ trợ giá vàng thế giới đi lên trong phiên 14/6. Giá vàng kỳ hạn giao tháng 8/2023 tăng 10,3 USD, hay 0,53%, lên 1.968,9 USD/ounce.

Theo báo cáo công bố ngày 14/6 của Bộ Lao động Mỹ, giá của nhà sản xuất tại nước này giảm mạnh hơn dự kiến nhờ giá năng lượng và thực phẩm giảm, dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt.

Chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 5/2023 giảm 0,3% so với tháng 4/2023. Đây cũng là tháng thứ ba PPI của Mỹ giảm trong vòng 5 tháng qua. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI của Mỹ tăng 1,1%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2020, sau khi tăng 2,3% trong tháng Tư.

Bộ Lao động Mỹ cho biết thêm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,1% trong tháng 5/2023 và 4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong khoảng hai năm. Nếu loại trừ lương thực và năng lượng, CPI cơ bản tăng lần lượt 0,4% và 5,3%.

Tất cả các con số này đều phù hợp với ước tính của thị trường, dẫn đến các nhà giao dịch hy vọng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp hai ngày kết thúc ngày 14/6.

Trước đó, sự thận trọng của thị trường đã kéo giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 12/6 và 13/6 khi giới giao dịch chuẩn bị cho một tuần bận rộn với các cuộc họp chính sách của nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm Fed.

Ngoài ra, một loạt báo cáo quan trọng liên quan tới tình hình lạm phát của Mỹ cũng thu hút nhiều sự chú ý của thị trường.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết đây là thời điểm khá khó khăn đối với vàng khi chứng khoán đang tiếp tục tăng và nhà đầu tư bị sức ép trước những tuyên bố thể hiện quan điểm “diều hâu” của Fed.

Dường như thị trường tin tưởng rằng Fed gần như đã hoàn thành việc thắt chặt chính sách tiền tệ, khi mọi người đang đổ xô vào chứng khoán và điều này đang làm giảm nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn như vàng.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện dự đoán 74% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7/2023, gây sức ép lên tài sản không sinh lời như vàng.

Các bình luận của Fed dường như cản trở sự hỗ trợ từ cả đồng USD và số liệu yếu về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ, khiến thị trường vàng liên tục trở chiều.

Minh Hằng

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.