|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sức khỏe lĩnh vực sản xuất Đông Nam Á suy giảm mạnh, ngoại trừ hai nền kinh tế

10:55 | 03/08/2021
Chia sẻ
Số liệu mới nhất từ IHS Markit cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất giảm nhanh và mạnh. Trong số 7 quốc gia ASEAN được khảo sát, 5 quốc gia có các điều kiện kinh doanh giảm trong tháng 7.

Dữ liệu mới nhất của Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI của IHS Markit cho thấy các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất ASEAN tiếp tục suy giảm trong tháng 7.

Việc tái bùng phát các ca nhiễm COVID-19 và các biện pháp hạn chế thắt chặt khiến nhu cầu tiếp tục giảm, từ đó sản lượng xuất xưởng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.

Chỉ số PMI toàn phần giảm thành mức thấp của 13 tháng là 44,6 trong tháng 7, tức là nằm sâu hơn trong vùng suy giảm so với kết quả của tháng 6 là 49 điểm.

Hơn nữa, số liệu mới nhất cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất giảm nhanh nhất lần thứ 5, và mức suy giảm nhìn chung là mạnh.

Sức khỏe lĩnh vực sản xuất Đông Nam Á suy giảm mạnh, ngoại trừ hai nền kinh tế - Ảnh 1.

Trong số 7 quốc gia ASEAN được khảo sát, 5 quốc gia có các điều kiện kinh doanh giảm trong tháng 7. 

Tốc độ suy giảm nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở Myanmar, nơi có chỉ số PMI toàn phần giảm tới 8 điểm so với tháng trước, khi các doanh nghiệp tiếp tục buộc phải đóng cửa do số lượng ca nhiễm tăng. Hơn nữa, kết quả mới nhất (33,5) là thấp nhất kể từ tháng 4 và nó cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm nhanh.

Indonesia cũng có mức suy giảm nghiêm trọng trong tháng 7 khi chỉ số toàn phần giảm đáng kể từ 53,5 của tháng 6 xuống còn 40,1, cho thấy lần suy giảm đầu tiên của sức khỏe lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 10 năm ngoái, và đây là mức giảm mạnh nhất trong 13 tháng.

Trong khi đó, chỉ số toàn phần của Malaysia (40,1) chỉ thay đổi một chút so với tháng trước và cho thấy lần giảm thứ hai liên tiếp của các điều kiện sản xuất, và tốc độ giảm nằm trong số nhanh nhất được ghi nhận.

Việt Nam ghi nhận tốc độ suy giảm chậm lại một chút trong tháng 7. Mặc dù vậy, kết quả chỉ số PMI toàn phần 45,1 cho thấy mức suy giảm nói chung là mạnh. 

Thái Lan là quốc gia được khảo sát duy nhất còn lại có sự suy giảm các điều kiện sản xuất trong tháng 7. Tại đây, chỉ số toàn phần (48,7) giảm nhẹ so với tháng trước, cho thấy mức suy giảm chỉ là nhẹ.

Tin tốt đến từ Philippines và Singapore trong tháng 7. Tại Philippines, tăng trưởng tiếp tục được ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù mức độ chỉ là nhẹ (PMI: 50,4).

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất Singapore ghi nhận mức hồi phục đáng kể với chỉ số toàn phần vượt lên trên ngưỡng 50 điểm là 56,3 trong tháng 7, cho thấy mức cải thiện mạnh nhất các điều kiện sản xuất từ tháng 5/2013.

Sức khỏe lĩnh vực sản xuất Đông Nam Á suy giảm mạnh, ngoại trừ hai nền kinh tế - Ảnh 2.

Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất ASEAN có các điều kiện sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 7. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ giảm là nhanh nhất kể từ tháng 5/2020 và mức giảm mạnh.

Kết quả là, các công ty tiếp tục giảm mua hàng trong tháng 7, tốc độ giảm lần này nhanh nhất trong 14 tháng. Từ đó, hàng tồn kho trước sản xuất tiếp tục giảm, mặc dù tốc độ giảm là chậm hơn tháng 6. Mặc dù vậy, những hạn chế từ phía nguồn cung vẫn phổ biến. Thời gian giao hàng hóa đầu vào trung bình bị kéo dài thành mức trầm trọng thứ 3  từng được ghi nhận.

Dữ liệu tháng 7 cũng cho thấy áp lực sản xuất của các nhà sản xuất ASEAN tăng trở lại khi lượng công việc tồn đọng tăng với tốc độ nhanh thứ nhì từng được ghi nhận. Tuy nhiên, các công ty tiếp tục giảm số lượng việc làm trong tháng 7. Tốc độ giảm việc làm giảm nhanh nhất và mạnh kể từ tháng 8/2020. 

Về giá cả, áp lực lạm phát vẫn lớn. Chi phí tiếp tục tăng nhanh trong tháng 7, mặc dù tốc độ tăng là chậm nhất trong năm tháng, trong khi giá đầu ra trung bình tăng tháng thứ 9 liên tiếp, ở mức vừa phải.

Cuối cùng, trong tháng 7 các nhà sản xuất hàng hóa vẫn lạc quan về sản lượng trong năm tới. Mức độ tâm lý lạc quan đạt mức cao của 3 tháng, mặc dù vẫn giảm so với dữ liệu lịch sử.

Ông Lewis Cooper, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, nhận định: "Số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng và các biện pháp hạn chế thắt chặt hơn đã khiến lĩnh vực sản xuất ASEAN tiếp tục rơi vào vùng suy giảm trong tháng 7. Chỉ số PMI trượt về mức thấp của 13 tháng và cho thấy sự suy giảm mạnh của các điều kiện sản xuất khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.

Kết quả là, các nhà sản xuất hàng hóa đã giảm số lượng nhân viên với tốc độ nhanh nhất tong gần một năm, cho dù áp lực sản xuất mạnh hơn, trong khi niềm tin kinh doanh vẫn giảm so với dữ liệu lịch sử. Sự chênh lệch ở cấp độ quốc gia vẫn đáng kể, khi 5 trong 7 quốc gia khảo sát ghi nhận suy giảm trong tháng 7, và mức suy giảm lớn nhất là ở Myanmar, Malaysia và Indonesia.

Nhìn chung, dữ liệu PMI kỳ này cho thấy các nhà sản xuất dường như gặp nhiều thách thức hơn trong những tháng tới. Các biện pháp hạn chế một lần nữa làm ảnh hưởng đến lực cầu, và cho đến khi lực cầu phục hồi, lĩnh vực sản xuất khó có thể có mức phục hồi đáng kể nào".

Anh Đào