|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sức hấp dẫn từ một dòng tiền hàng chục tỷ USD với cổ phiếu Việt Nam

09:17 | 26/02/2021
Chia sẻ
Theo thống kê của người viết, 28 công ty quản lý quỹ đang nhận ủy thác 10,7 tỷ USD. Trong đó, ba công ty đang nhận số tiền ủy thác lớn hơn tài sản của 50 công ty chứng khoán quy mô lớn nhất thị trường. Nếu thu hút được dòng vốn này sẽ tạo ra một lực đẩy và sự bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những dòng tiền mới trong mùa COVID-19

Trái với những lo sợ về tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp, dòng vốn liên tục đổ vào thị trường chứng khoán. Đây là xu hướng chung của toàn cầu, không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hệ quả là, thanh khoản thị trường đang ở mức cao nhất trong hơn 20 năm hoạt động, và câu hỏi "tiền từ đâu" thường trực với số đông nhà đầu tư.

Những phiên giao dịch với giá trị khớp lệnh gần 20.000 tỷ đồng không còn quá xa lạ với nhà đầu tư. Sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư mới hay còn gọi là "nhà đầu tư F0" đã bổ sung dòng tiền vào thị trường. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp đã kích thích dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tìm đến kênh đầu tư chứng khoán.

Cùng với đó, các công ty chứng khoán "bơm tiền" cho vay ký quỹ (margin) mạnh mẽ trong năm vừa qua góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên cao.

Với nhà đầu tư tổ chức, các ETF nội đóng vai trò lớn trong việc thu hút dòng tiền cho thị trường trong năm vừa qua.

Đơn cử, sau khi đi vào vận hành vào tháng 5/2020, VFMVN Diamond ETF nâng quy mô lên 8.818 tỷ đồng (khoảng 379 triệu USD) và trở thành ETF nội có quy mô lớn nhất thị trường tính đến ngày 26/2. Cùng với đó, SSIAM VNFin Lead ETF cũng thu hút dòng vốn hàng nghìn tỷ đồng sau hơn 1 năm hoạt động.

Với các quỹ đóng, dòng tiền trong năm vừa qua không thực sự nổi bật ngoài việc có thêm một thành viên mới từ Đài Loan là CTBC Vietnam Equity Fund (đơn vị do Dragon Capital quản lý).

Sức hấp dẫn của dòng vốn hàng chục tỷ USD

Tuy vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang có tiềm năng lớn nếu thu hút được dòng tiền ủy thác từ các công ty quản lý quỹ.

Sức hấp dẫn từ một dòng tiền hàng chục tỷ USD với cổ phiếu Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng

Theo thống kê của người viết tại 28 công ty quản lý quỹ trên thị trường, tổng giá trị danh mục đầu tư ủy thác thời điểm cuối năm 2020 là 247.322 tỷ đồng (tương đương 10,7 tỷ USD), tăng 21,4% so với cuối năm 2019. Nếu thống kê đầy đủ, con số này chắc hẳn sẽ lớn hơn nữa.

Tương quan so sánh, giá trị ủy thác như trên lớn hơn tổng tài sản của 50 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường. Theo thống kê, tổng tài sản của 50 công ty chứng khoán lớn tại ngày 31/12/2020 là 198.266 tỷ đồng.

Vốn ủy thác tập trung tại các công ty quản lý quỹ là công ty con của công ty bảo hiểm và ngân hàng. Trong đó, tập trung lớn nhất là ba công ty quản lý quỹ là công ty con của các công ty bảo hiểm.

Tính đến ngày 31/12/2020, Quản lý quỹ Eastspring Invest nhận ủy thác của nhà đầu tư trong nước 123.610 tỷ đồng (5,3 tỷ USD), tăng 22,7% so với thời điểm cuối năm 2019. Đây là công ty con của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam.

Hai đơn vị khác cũng đang có danh mục ủy thác tỷ USD là Quản lý Quỹ Bảo Việt và Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam.

Cuối năm 2020, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư ủy thác của Quản lý Quỹ Bảo Việt là 88.580 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cuối năm trước đó. Khách hàng ủy thác của công ty là một số đơn vị như Bảo Việt Nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt, Tokio Marine Việt Nam.

Với Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam, giá trị ủy thác của đơn vị này là 26.418 tỷ đồng tỉnh đến cuối 2020, tăng 27,8% sau một năm. Đây là công ty con của Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam.

Xếp sau những đơn vị trên, công ty con của các ngân hàng cũng đang quản lý danh mục ủy thác hàng nghìn tỷ đồng như Quản lý Quỹ VietcomBank (VCBF), Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) và Quản lý Quỹ VietinBank (VietinBank Capital). Tại ngày 31/12/2020, giá trị danh mục ủy thác của ba đơn vị này lần lượt là 1.629 tỷ đồng, 1.321 tỷ đồng và 1.019 tỷ đồng. Ngoại trừ MB Capital, giá trị nhận ủy thác của hai đơn vị trên đều giảm so với năm 2019.

Trong năm 2020, quản lý quỹ gây bất ngờ khi giá trị nhận ủy thác tăng từ 2 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 1.128 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Đây là số tiền ủy thác của nhà đầu tư trong nước cho công ty quản lý quỹ này.

Theo ghi nhận, hai công ty quản lý quỹ khác cũng gia tăng giá trị nhận ủy thác hàng trăm tỷ đồng trong năm qua như Saigon Capital và Thiên Việt (TVAM).

Với nguồn tiền ủy thác dồi dào từ các công ty quản lý, nếu thị trường cổ phiếu Việt Nam tạo ra được sức hút dòng vốn tổ chức này sẽ tạo ra lực đẩy lớn và ổn định trong dài hạn.

Lợi Hoàng

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.