|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sửa đổi quy định về TPDN: Làm sao để tránh tình trạng 'bất thường'?

07:18 | 26/07/2022
Chia sẻ
Trước những yếu tố bất thường trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung thêm các quy định về tỷ lệ vốn vay, minh bạch thông tin,... để có thể giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Trong giai đoạn Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều đang được ráo riết hoàn thiện và sớm trình lại Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung quy định để tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất thường.

Các dấu hiệu bất thường được Bộ Tài chính đưa ra sau quá trình theo dõi như phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu,...

Bộ Tài chính yêu cầu khi phát hiện vi phạm các quy định pháp luật thì theo mức độ vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh theo quy định hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường. 

Theo các chuyên gia, trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 cần có các quy định nhằm hạn chế tình trạng trên. Tránh trường hợp sau khi doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính mới phát hiện đình chỉ giao dịch gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Cần có quy định về tỷ lệ vốn vay của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

 PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính. (Ảnh: NVCC).

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng nên quy định rõ ràng về tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. 

Theo ông, doanh nghiệp với khả năng quản lý có giới hạn nhưng huy động lượng vốn quá lớn thì khó lòng quản lý, sử dụng hiệu quả và khả năng trả nợ cũng kém 

Ông cho hay nhiều nước trên thế giới quy định rất rõ ràng về tỷ lệ cụ thể vốn vay (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp) trên vốn tự có, như tại Canada tỷ lệ này 2:1, Trung Quốc 2:1 với doanh nghiệp thông thường.

"Sắp tới lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn nếu chỉ có vài doanh nghiệp không trả nợ được sẽ gây hiệu ứng domino làm ảnh hưởng cả thị trường trái phiếu, cổ phiếu và rộng hơn là thị trường tài chính", PGS, TS. Định Trọng Thịnh nói.

Trước đây tại Nghị định 81 ngày 9/7/2020 đã có quy định mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đến khi Nghị định 153 quy định trên đã được gỡ bỏ.

Thay vào đó, Nghị định mới quy định kỳ hạn và khối lượng trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

"Quan trọng nhất vẫn là quy định về công khai thông tin"

Đó là ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi nói về quy định với doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu.

Ông cho rằng khó có thể đánh giá mức độ rủi ro của một doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 1 lần hay gấp nhiều lần số vốn điều lệ.

Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu...

Ngoài website của mình, doanh nghiệp cũng cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin về tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp như nợ, lỗ hay lãi... để nhà đầu tư giám sát. 

 Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC (Ảnh: BizLIVE).

Giống như câu chuyện khuyến khích thành lập doanh nghiệp, "tay không" cũng có thể góp tiền vào nhưng quan trọng là họ có kế hoạch, có ý tưởng với doanh nghiệp phát hành trái phiếu là sự tín nhiệm, tin tưởng của nhà đầu tư.

"Quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch thông tin để nhà đầu tư nắm được và nếu chấp nhận rủi ro họ vẫn có thể đầu tư", Luật sư Đức nói. 

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định trái phiếu vẫn là một kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế, chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính,góp phần phát triển hệ thống tài chính lành mạnh, cân đối hơn. Do vậy, thị trường này còn rất nhiều dư địa phát triển. 

Luật sư Đức cho rằng, phát triển tốt thị trường TPDN sẽ là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp hay tổ chức khác, góp phần hạn chế vàng hóa, USD hóa...

Theo báo cáo trái phiếu quý II/2022 mà Chứng khoán VNDirect phát hành, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý III/2022 đạt mức 64.696 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn tới 52%, tương đương hơn 33.624 tỷ đồng TPDN bất động sản sẽ phải đáo hạn, tăng 166,9% so với quý II/2022 và tăng tới 252,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhóm ngành tài chính - ngân hàng có tổng giá trị đáo hạn TPDN đạt 24.036 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,2%, tăng 17,6% so với quý trước và tăng 216,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Các ngành khác chiếm 10,9% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý III, đạt 7.036 tỷ đồng, tăng 198,2% so với quý II và tăng 319,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Hạ An