|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sửa điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

19:54 | 13/04/2017
Chia sẻ
Sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công Thương đang thực hiện sửa đổi nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tạo ra sự bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.
sua dieu kien kinh doanh xuat khau gao
Bộ Công Thương đang sửa nghị định 109 về xuất khẩu gao. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Thông tin trên được ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nêu ra tại Diễn đàn kinh tế thường niên 2017 với chủ đề “Giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” do UBND địa phương này tổ chức ngày 12-4.

Theo ông Hải, với điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, Nhà nước đang rất tích cực cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này thông qua việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. “Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục dự thảo sửa đổi nghị định 109 (109/2010/NĐ-CP) theo hướng tạo ra sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, qua đó, giảm bớt can thiệp của các tổ chức nằm ngoài Nhà nước mà lại gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung”, ông Hải cho biết.

Trước đó, kết luận tại hội nghị "Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" được tổ chức ở An Giang hôm 15-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các quy định gây cản trở sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. Thủ tướng đã lưu ý các bộ ngành có liên quan phải tiếp thu để sửa đổi, bổ sung một số chính sách sớm hơn nữa.

Cụ thể, đối với nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo có liên quan đến Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi nghị định này theo hướng không đưa ra nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo- điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương không nên trao cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối quota cứng..., để đảm bảo kinh tế thị trường.

Liên quan vấn đề nêu trên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lên tiếng khi trao đổi với TBKTSG Online. Họ cho rằng việc trao quyền định giá sàn cho VFA, cũng như phân phối quota chẳng những không giúp cho xuất khẩu gạo tốt hơn, mà thậm chí còn gây cản trở xuất khẩu gạo của doanh nghiệp nói riêng và phát triển ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.

Ngoài sửa đổi nghị định 109, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu sửa đổi nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa cũng như quyết định 1898 về phê duyệt tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 với lý do có nhiều mục tiêu, nhiều vấn đề mà tầm nhìn chưa phù hợp.

Song song đó, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó, có việc đầu tư hệ thống xay xát chế biến lúa gạo, kho chứa…, theo hướng phải được vay dài hạn và trung hạn, thay vì ngắn hạn nhằm tạo mọi điều kiện cho khâu chế biến phát triển. Thủ tướng cũng cho biết sẽ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sửa các văn bản, quyết định gây cản trở phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.

Trung Chánh