Sửa chính sách tháo gỡ vướng mắc thủ tục xử lý phế thải, phế liệu, phế phẩm
Container hàng hóa XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: N.linh.
Gỡ cả cho Hải quan và DN
Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ thì việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công, khi thực hiện quy định này, cơ quan Hải quan gặp vướng mắc.
Cụ thể, về việc quy định cơ quan Hải quan phải giám sát tất cả các trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của hợp đồng gia công khó khăn cho cơ quan Hải quan và DN khi thực hiện. Do phế liệu, phế phẩm thường xuyên được loại ra trong quá trình sản xuất, đối với các DN lớn tần suất tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm này là thường xuyên do đó cơ quan Hải quan không đủ lực lượng để giám sát tiêu hủy của tất cả các DN, việc DN tổ chức giám sát sẽ gây tốn kinh phí cho DN.
Về việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường. Về vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn về việc tiêu hủy hàng hóa của DN. Theo đó, trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm là chất thải nguy hại hoặc có chứa các thành phần nguy hại thì thực hiện theo các quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT. Theo đó, chỉ có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho đối tượng là DN thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại; chủ nguồn chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường (không quy định phải có giấy phép);
Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm không phải là chất thải nguy hại thì thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Chương IV Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Theo đó, không quy định chủ chất thải rắn phải có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ quy định về việc báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện quy định nêu trên đang gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và DN phát sinh thủ tục hành chính, chi phí khi xin phép Sở Tài nguyên và Môi trường để được tiêu hủy.
Để xử lý vướng mắc khi thực hiện khoản 4 Điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, dự kiến dự thảo Thông tư sẽ đưa ra hai phương án. Phương án 1: Bổ sung quy định về hồ sơ, mẫu công văn tiêu hủy và giữ nguyên việc thực hiện giám sát đối với hàng hóa gia công như hiện tại; Phương án 2: Bổ sung quy định về hồ sơ, mẫu công văn tiêu hủy và việc thực hiện giám sát đối với hàng hóa gia công thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP để lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng DN và các bộ, ngành liên quan.
Xử lý vướng mắc đặt gia công ở nước ngoài
Liên quan đến quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, dự thảo thông tư cũng sửa đổi các quy định về đặt gia công tại nước ngoài. Thực tế phát sinh trường hợp DN đặt gia công ở nước ngoài nhưng không nhập khẩu sản phẩm về Việt Nam mà sẽ xuất khẩu trực tiếp từ nước nhận gia công ra nước ngoài hoặc bán luôn tại thị trường nước nhận gia công. Hiện nay mới có quy định tại khoản 3 Điều 68 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 45 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì trường hợp bán sản phẩm gia công tái chế tại thị trường nước ngoài thì người khai hải quan đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu mới và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Chương II Thông tư này (trừ việc kiểm tra thực tế hàng hoá). Dự kiến dự thảo sẽ bổ sung quy định về thủ tục đối với trường hợp bán sản phẩm gia công tại nước ngoài cho phù hợp với thực tế hoạt động kinh tế phát sinh.
Về vấn đề thuê kho của DN chế xuất, quy định hiện hành quy định về thủ tục thuê kho bên ngoài DNCX để lưu giữ nguyên liệu, sản phẩm của DNCX, quản lý hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho. Trong khi đó, văn bản hiện hành chưa có quy định về hồ sơ phải nộp khi đề nghị thuê kho, các bước thực hiện thủ tục cấp phép thuê kho theo các thẩm quyền, thủ tục gia hạn thời gian thuê kho, điều chỉnh thông tin kho thuê. Thực tế phát sinh nhu cầu thuê kho ngoài các khu CN, KCX, KCNC, KKT tại các địa phương lớn như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Để giải quyết vướng mắc, cũng như thủ tục minh bạch, rõ ràng, dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung các nội dung này trong quá trình sửa Thông tư số 39.