|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sự lỗi thời của một quy định chứng khoán

13:58 | 15/06/2018
Chia sẻ
Hơn 2,05 triệu tài khoản đã được mở tại các công ty chứng khoán tính đến hết tháng 5-2018 là số liệu vừa được Trung tâm Lưu ký chứng khoán công bố. So với cuối tháng 1-2018 khi số tài khoản là 1,95 triệu, thì trong vòng bốn tháng, 100.000 tài khoản được mở có lẽ không phải là con số đáng mừng, nhất là trong điều kiện chứng khoán biến động mạnh vừa qua.
su loi thoi cua mot quy dinh chung khoan
Hiện nay doanh số, thị phần môi giới đóng góp phần quan trọng nhất nhì tạo nên uy tín của công ty chứng khoán. Ảnh: THÀNH HOA

Trong số 100.000 tài khoản mở mới, theo một số công ty chứng khoán, tài khoản giao dịch phái sinh tăng rất mạnh và mức tăng hầu hết dồn cả vào đây. Còn dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ ra riêng trong tháng 5-2018, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 12,8% so với tháng trước đó, đạt 31.000 tài khoản.

Chứng khoán phái sinh đang thể hiện vai trò của nó trong một thị trường mà sự lên xuống của chỉ số có thể giãn rộng tới 20-30 điểm ngay trong phiên và nhà đầu tư có thể mua bán (long/short) bất cứ giây phút nào. Ưu điểm bán khống và hệ số đòn bẩy cao đặc biệt phát huy tác dụng trong những ngày thị trường nghiêng về “tiếng gầm của con gấu”. Ngày 30-5-2018 giao dịch phái sinh lên đến đỉnh điểm kể từ khi chào đời với trên 114.000 hợp đồng và giá trị giao dịch danh nghĩa gần 10.500 tỉ đồng. Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng khối lượng hợp đồng tương lai được giao dịch mỗi ngày xấp xỉ 60.000-80.000 đơn vị. Một sự thành công ngoài mong đợi!

Thêm vào đó, các công ty môi giới đưa ra mức phí giao dịch hấp dẫn và lãi suất áp dụng cho vay khá mềm cho nhà đầu tư giao dịch hợp đồng tương lai. Nhiều công ty áp dụng mức phí 10.000 đồng/giao dịch, nhưng cũng có công ty chỉ thu 5.000 đồng/giao dịch. Lời lỗ của nhà đầu tư lại được bổ sung vào tài khoản ngay sáng hôm sau.

Không nghi ngờ, hợp đồng tương lai đã trở thành vùng trũng nhận sự san sẻ của dòng tiền chảy vào chứng khoán khi thanh khoản trên các sàn giao dịch cơ sở giảm xuống. Sự dịch chuyển này của dòng tiền mang tính thị trường, nơi đâu có lợi nhuận cao thì nó tìm đến. Cái khác là ở chỗ thị trường cơ sở mới là nơi doanh nghiệp niêm yết có thể huy động vốn, thực hiện chức năng quan trọng nhất của chứng khoán.

Ở đây không thể không đề cập đến một thông tin khác: lợi nhuận năm 2017 của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose), theo báo cáo tài chính kiểm toán, đạt 470 tỉ đồng, gấp đôi so năm trước đó và là mức cao kỷ lục. Hơn 80% lợi nhuận của Hose là từ thu phí môi giới. Cụ thể thế nào?

Kể từ khi thị trường ra đời vào tháng 7-2000, Nhà nước quy định các công ty chứng khoán nộp 20% tổng phí môi giới thu được về cho Hose và Hnx. Cổ phiếu niêm yết trên Hose thì phí giao dịch cổ phiếu đó nộp về Hose. Cổ phiếu giao dịch trên Hnx và sau này là UpCom, phái sinh thì nộp về Hnx. Suốt mười mấy năm, quy định trên không thay đổi bất chấp quy mô thị trường và quy mô thanh khoản đã thay đổi rất nhiều.

Thông thường các công ty chứng khoán thu phí 0,15-0,3% cho một lần mua hoặc bán cổ phiếu của nhà đầu tư, tùy giao dịch thường xuyên, khối lượng nhiều ít, giá trị cao thấp... Từ khi giải ngân đến khi chốt lời hoặc cắt lỗ hoặc bán hòa vốn, nhà đầu tư trả phí tối thiểu 0,3% giá trị giao dịch, nhiều thì 0,4-0,5%. Nhà đầu tư cũng phải nộp 0,1% thuế cho Nhà nước trên giá trị cổ phiếu bán ra bất kể lãi lỗ hay hòa vốn và công ty chứng khoán là người thu hộ, rồi nộp lại cho Nhà nước. Nhà nước quy định nhà đầu tư có quyền kê khai thuế, quyết toán thuế cuối năm. Nếu tổng giá trị giao dịch bị lỗ thì cơ quan thuế sẽ hoàn thuế cho nhà đầu tư. Tuy nhiên ngay cả trong thời kỳ 2008-2013 đa phần nhà đầu tư lỗ, cũng ít người thực hiện xin hoàn thuế vì thủ tục quá gian nan.

Từ năm ngoái, chứng khoán khởi sắc, doanh thu phí môi giới của các công ty chứng khoán tăng vọt. Doanh số môi giới càng cao, số tiền tuyệt đối nộp cho hai sở càng nhiều. Công ty chứng khoán, thí dụ, thu được 100 tỉ đồng phí môi giới, phải nộp cho Hose và Hnx 20 tỉ đồng.

Công ty chứng khoán, tất nhiên, làm đủ mọi cách để gia tăng doanh thu môi giới. Họ sẵn sàng cho vay ký quỹ, tư vấn này nọ để mời chào nhà đầu tư giao dịch. Họ có quan tâm đến lãi lỗ của nhà đầu tư không? Có. Nhưng mối quan tâm ấy không lớn bằng tần suất giao dịch của nhà đầu tư. Mua cũng được, bán cũng xong. Lãi lỗ, hòa vốn đều được cả. Chỉ cần giao dịch nhiều vì có giao dịch, công ty chứng khoán mới thu được phí môi giới.

Hiện nay doanh số, thị phần môi giới đóng góp phần quan trọng nhất nhì tạo nên uy tín của công ty chứng khoán. Trong cơ cấu lợi nhuận ròng của công ty chứng khoán, có khi tư vấn, tự doanh, dịch vụ ký quỹ hay ngân hàng đầu tư mới là mảng lợi nhuận to. Nhưng không công ty nào dám lơ là dịch vụ môi giới.

Cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán không chỉ gay gắt mà còn phức tạp, đến mức tinh vi. Cũng vì chạy theo doanh thu môi giới, một số công ty đẩy dịch vụ ký quỹ vượt quá giới hạn, lách quy định trong một số thời điểm, khiến giao dịch thị trường dễ đổ vỡ, biến động mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Nhìn từ các góc độ nói trên, quy định công ty chứng khoán nộp 20% tổng phí môi giới cho các sở cần phải được thay đổi theo hướng giảm mức nộp xuống 10% hoặc chí ít cũng xuống 15%. Hose và Hnx 100% vốn nhà nước, mọi chi phí hoạt động đều theo quy định nhà nước, tức có ngân sách lo. Nếu việc điều chỉnh tỷ lệ nộp phí môi giới về các sở trở nên hợp lý, các công ty chứng khoán có thể giảm phí môi giới cho nhà đầu tư, đồng thời kiểm soát ký quỹ ở mức chấp nhận được mà không phải chạy theo doanh số. Điều này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Vấn đề là Bộ Tài chính có nhìn thấy sự lỗi thời của một quy định tồn tại đã gần 20 năm và thị trường chứng khoán giờ đây đã khác nhiều lắm rồi.

Xem thêm

Hải Lý

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.