Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (5/8 - 9/8): Tài sản có độ an toàn cao lên ngôi trước bất ổn thương mại Mỹ - Trung
Ảnh: Reuters
Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 5/8 - 9/8
Nhu cầu về các tài sản có độ an toàn cao dường như sẽ được củng cố vào đầu tuần này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump gây leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Bắc Kinh cam kết sẽ trả đũa.
Theo Reuters, các nhà giao dịch ngoại hối sẽ hướng sự chú ý đến quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách vào tuần trước.
Đồng thời, thị trường cũng sẽ không rời mắt khỏi các quan chức Fed khi họ tham gia phát biểu trong tuần này, nhằm đánh giá con đường chính sách tiền tệ trong tương lai.
Đồng USD đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng JPY vào hôm 2/8 sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ chững lại trong tháng 7. Từ đó, khả năng Fed hạ thêm lãi suất vào tháng 9 tới là rất cao.
Số lượng việc làm phi nông nghiệp đã tăng 164.000 trong tháng 7, ít hơn kết quả của tháng trước đó. Đồng thời, lương nhân viên cũng chỉ tăng khiêm tốn, Bộ Lao động Mỹ cho hay.
Báo cáo việc làm được công bố một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9. Đây là động thái khiến thị trường tài chính đặt hi vọng vào đợt hạ lãi suất khác của Fed trong tháng 9.
Đồng USD đã giảm 0,68% so với đồng JPY, ghi nhận ở mức 106,59. Đồng EUR tăng 0,23% so với đồng bạc xanh lên mốc 1,1106.
Đồng CHF, một tài sản có độ an toàn cao trong thời điểm thị trường bất ổn, cũng tăng 0,8% so với đồng USD lên mức 0,982.
Vào hôm 1/8, ông Trump đã đăng tải trên Twitter rằng mức thuế suất 10% sẽ được áp dụng đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/9 sau khi các nhà đàm phán Mỹ trở về từ vòng thương thuyết mới nhất mà không đạt được tiến bộ đáng kể.
Trong khi đó, đồng GBP đã rơi xuống mức thấp nhất trong 30 tháng so với đồng USD vào ngày 2/8 sau khi một biến động mới trong Đảng Bảo thủ cầm quyền làm gia tăng lo ngại về chính trị trong nước vào thời điểm ba tháng trước thời hạn Brexit.
Sau tân Thủ tướng Boris Johnson quyết tâm rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 bất kể có đạt được thỏa thuận chuyển tiếp với Brussels hay không, đồng tiền tệ của nước Anh đã giảm hơn 4% giá trị trong tháng 7. Đây là tháng tồi tệ nhất đối với đồng GBP kể từ tháng 10/2016.
Sự kiện thị trường ngoại hối 5/8 - 9/8
Ngày | Các thông tin công bố |
Thứ Hai (5/8) | - Anh công bố chỉ số PMI dịch vụ - Anh công bố dữ liệu PMI phi sản xuất ISM |
Thứ Ba (6/8) | - New Zealand công bố báo cáo việc làm - Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định lãi suất - Thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) James Bullard phát biểu |
Thứ Tư (7/8) | - Ngân hàng Dự trữ New Zealand quyết định lãi suất - Đức công bố sản lượng công nghiệp |
Thứ Năm (8/8) | - Trung Quốc công bố cán cân thương mại - Mỹ công bố số lượng đơn yêu cầu thất nghiệp ban đầu |
Thứ Sáu 9/8) | - Nhật Bản công bố dữ liệu GBP - RBA tuyên bố chính sách tiền tệ - Trung Quốc công bố lạm phát giá người tiêu dùng - Anh công bố dữ liệu GDP - Canada công bố báo cáo việc làm - Mỹ công bố dữ liệu PPI |