Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 24/5 - 28/5: Nhà đầu tư bám sát diễn biến của bitcoin
Theo Investing.com, sự biến động dữ dội của bitcoin vào tuần trước có thể tạo ra lực cản trên thị trường tài chính tuần này, vì nhà đầu tư sẽ e ngại các giao dịch mang tính rủi ro hơn.
Ngoài các thông tin về bitcoin, nhà đầu tư ngoại hối hẳn sẽ quan tâm đến các báo cáo tháng 4 của chính phủ Mỹ về chi tiêu cá nhân, hàng hóa bền (durable goods) và doanh số bán nhà để nắm bắt được sức mạnh của nền kinh tế Mỹ khi quý II dần qua đi.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn có thể theo dõi một số bài phát biểu của các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm Thống đốc Lael Brainard, về tiền ảo về tình trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dưới đây là một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này.
1. Bong bóng bitcoin
Đồng tiền ảo lớn nhất thế giới tiếp tục bị bán tháo vào ngày 21/5 sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát hoạt động giao dịch và đào bitcoin.
Đầu tuần, ba cơ quan chính phủ Trung Quốc còn ban hành lệnh cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán không được cung cấp dịch vụ tiền ảo cho khách hàng; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư nên tránh các giao dịch đầu cơ tiền ảo.
Đến giữa tuần, Bộ Tài chính Mỹ phát lời kêu gọi chính phủ Mỹ ban hành các quy định mới nhằm yêu cầu doanh nghiệp khai báo các khoản giao dịch tiền ảo lớn cho Sở Thuế vụ. Trong tuyên bố riêng, Fed còn cảnh báo rủi ro mà tiền ảo gây ra với sự ổn định của các thể chế tài chính toàn cầu.
Ngoài các động thái cứng rắn từ chính quyền các nước, đồng bitcoin nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung còn bị tác động bởi các tuyên bố của tỷ phú xe điện Elon Musk.
Sau khi đạt đỉnh mọi thời đại gần 65.000 USD/BTC vào giữa tháng 4, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới bất ngờ lao dốc xuống dưới 40.000 USD/BTC vào trưa ngày 19/5 (theo giờ Việt Nam) sau bão tweet của Elon Musk. Đến khuya ngày 20/5, bitcoin và toàn thị trường tiền ảo chìm trong sắc đỏ sau lệnh cấm của Bắc Kinh, có thời điểm bitcoin chạm ngưỡng 30.000 USD/BTC.
Cuối tuần vừa qua, CEO Tesla lại khuấy động thị trường tiền ảo bằng dòng tweet mới. Vị tỷ phú cho biết bản thân ủng hộ tiền ảo hơn tiền pháp định, nhờ đó bitcoin phục hồi trở về hơn 38.700 USD/BTC.
Do tính chất biến động thất thường và đột ngột của bitcoin thời gian qua, một số chuyên gia đã cảnh báo về bong bóng tiền ảo. Công ty tư vấn Vanda Research lưu ý: "Bong bóng tiền ảo đã bắt đầu lộ rõ, dữ liệu từ các sàn giao dịch khác nhau cho thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ đang ồ ạt rút lui".
2. Dữ liệu kinh tế
Dữ liệu kinh tế quan trọng nên theo dõi trong tuần này sẽ là chi tiêu và thu nhập cá nhân tháng 4 của người dân Mỹ, trong đó có chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE). Theo dự kiến, bộ dữ liệu này sẽ được công bố vào ngày 28/5.
Chỉ số PCE cốt lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng, chính là công cụ đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương Mỹ. Trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm nay, chỉ số PCE cốt lõi đã tăng 1,8%.
Theo nhận định của Investing.com, qua chỉ số PCE cốt lõi, nhà đầu tư có thể thấy liệu Fed có quyết tâm duy trì các chương trình thu mua tài sản với tốc độ hiện tại hay không, khi mà triển vọng kinh tế và lạm phát có xu hướng phục hồi.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ sẽ công bố thêm dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng, giá nhà ở và doanh số bán nhà mới vào ngày 25/5; sau đó là số đơn đặt hàng bền và số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 27/5.
3. Quan chức Fed phát biểu
Ngày 24/5, Thống đốc Fed Lael Brainard sẽ phát biểu về các đồng tiền kỹ thuật số tại một hội nghị trực tuyến của CoinDesk. Trước sự biến động gần đây của bitcoin, nhà đầu tư hẳn sẽ quan tâm đến bình luận của bà Brainard.
Tại địa điểm khác, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta và ông Esther George - Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City cũng sẽ đưa ra bình luận riêng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vào ngày 24/5.
Đến ngày 25/5, Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles dự kiến sẽ điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện về việc giám sát và các quy định của Fed đối với hệ thống tài chính trong nước.