Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 21/9 - 25/9: Chờ đón số liệu PMI của các nền kinh tế lớn
Tuần trước, thị trường ngoại hối khá bận rộn khi đón nhận nhiều tin tức mới, nổi bật nhất là quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương, dữ liệu lạm phát và việc làm.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải tiếp tục vật lộn với lạm phát thấp. Vào tháng 8/2020, chỉ số CPI của eurozone giảm từ mức 0,4% của tháng 7 về -0,2%. Đây là lần đầu tiên chỉ số CPI của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm kể từ tháng 4/2016.
Chung xu hướng, chỉ số CPI cốt lõi của eurozone trong tháng 8 chững về 0,4%, giảm mạnh so với mốc 1,2% của tháng 7.
Tại Anh, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tháng 8 giảm từ con số 94.400 của một tháng trước đó xuống còn 73.700. Tăng trưởng tiền lương của Anh cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp, cụ thể giảm 1%.
Trong tháng 8, lạm phát của nền kinh tế Anh giảm từ mức 1% của tháng 7 xuống 0,2%. Chỉ số lạm phát cốt lõi giảm từ 1,8% xuống còn 0,9%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 0,1%. Theo Forex Crunch, một số nhà đầu tư bày tỏ sự lo lắng khi BoE cho biết họ đang nghiên cứu lãi suất âm, đồng bảng Anh cũng do đó mà mất giá trong một thời gian ngắn.
Tại cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tuần trước, các nhà hoạch định chính sách cam kết sẽ duy trì chính sách tiền tệ cực kì linh hoạt. Dù nền kinh tế Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái, BoJ dường như đang khá lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế.
Tại Mỹ, sự kiện nổi bật nhất tuần qua là cuộc họp chính sách tháng 8 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cuộc gặp mặt cuối cùng của các nhà hoạch định chính sách trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tuyên bố của Fed rằng dựa theo mục tiêu lạm phát hiện tại, họ sẽ không tăng lãi suất trước năm 2023.
Tuần tới, Forex Crunch nhận định nhà đầu tư ngoại hối sẽ tập trung vào dữ liệu PMI - một trong các thước đo quan trọng về sức khỏe của các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
1. PMI của khu vực đồng euro (ngày 23/9)
Trong ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam), Pháp sẽ công bố dữ liệu PMI vào lúc 14h15, sau đó đến Đức vào lúc 14h30 và cuối cùng là toàn bộ khu vực đồng euro vào lúc 15h.
Tháng 8, các chỉ số PMI sản xuất của Đức và khu vực đồng tiền chung châu Âu đều ghi nhận mức tăng nhẹ, với kết quả lần lượt là 52,2 điểm và 51,7 điểm. Chỉ số PMI sản xuất của Pháp ghi nhận ở mức 49,8 điểm.
Trong khi đó, chỉ số PMI dịch vụ của Pháp, Đức và toàn Liên minh châu Âu (EU) đều mấp mé ngưỡng 50 điểm, cho thấy lĩnh vực này có sự mở rộng nhỏ trong tháng 8.
Giới phân tích dự đoán chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ của cả ba khu vực đều sẽ không thay đổi nhiều trong tháng 9.
2. Chỉ số PMI sản xuất sơ bộ của Anh (ngày 23/9)
Chính phủ Anh sẽ công bố chỉ số PMI sản xuất sơ bộ (flash manufacturing PMI) vào lúc 15h30 ngày 23/9. Trong hai tháng qua, chỉ số PMI này luôn dao động trên mức 55 điểm, là một con số tốt cho thấy hoạt động chế tạo tại Anh có mở rộng.
Theo ước tính của các nhà phân tích, chỉ số PMI sản xuất sơ bộ sắp tới của Anh dự kiến giảm nhẹ xuống còn 54,3 điểm.
3. Chỉ số PMI dịch vụ sơ bộ của Anh (ngày 23/9)
Chỉ số PMI dịch vụ sơ bộ của Anh cũng sẽ được công bố vào 15h30 ngày 23/9. Chỉ số này đã phục hồi một cách ấn tượng, đạt 60,1 điểm trong tháng 8.
Quay trở lại tháng 4, chỉ số PMI dịch vụ sơ bộ của nền kinh tế Anh chỉ dao động quanh ngưỡng 12,3 điểm, cho thấy một sự thu hẹp mạnh. Trong tháng 9, chỉ số này được dự đoán duy trì ở mức 57,1 điểm.
4. PMI sản xuất của Mỹ (ngày 23/9)
Chính phủ Mỹ sẽ công bố chỉ số PMI sản xuất tháng 9 vào lúc 21h45 ngày 23/9 tới. Trong các tháng qua, chỉ số này liên tục duy trì trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy ngành chế tạo Mỹ đang tăng nhẹ.
Các nhà phân tích dự báo chỉ số PMI sản xuất cho tháng 9 sẽ đạt mức 52,5 điểm, tăng tương đối so với các tháng trước.
5. Chỉ số PMI dịch vụ của Mỹ (ngày 23/9)
Công bố cùng thời điểm với PMI sản xuất, chỉ số PMI dịch vụ của nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ giảm nhẹ từ mốc 54,8 điểm của tháng 8 về 54,5 điểm.